Bế tắc ở dự án “đất vàng” Manhattan 21 Lê Văn Lương: Nhiều thiện chí gỡ rối bất thành

(Dân trí) - Dự án Manhattan số 21 Lê Văn Lương “đắp chiếu” suốt một thời gian dài chưa hẹn ngày tái khởi động. Khách hàng như ngồi trên đống lửa, trong khi đó mọi đề nghị hợp tác để gỡ rối đều bất thành vì sự thiếu thiện chí của chủ đầu tư…

Bế tắc ở dự án “đất vàng” Manhattan 21 Lê Văn Lương:  Nhiều thiện chí gỡ rối bất thành - 1
Không một bóng người ở dự án Manhattan. Ảnh: N.Khánh.

Dự án Manhattan trước đây có tên là Thành An Tower, số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ban đầu do Tổng công ty Thành An (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, nhưng sau khi được giao đất, doanh nghiệp này đã bán lại cho Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình theo hình thức hợp tác kinh doanh.

Từ trước thời điểm được cấp phép, chủ đầu tư đã huy động vốn của nhiều khách hàng song dự án vẫn không được triển khai. Sau đó trở thành dự án tai tiếng và đã từng bị đưa vào danh sách đề nghị thu hồi của quận Thanh Xuân.

Sau gần 10 năm bất động, đầu năm 2018, Dự án Thành An Tower đã được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower sau khi Công ty cổ phần Landmark Holding (LMH - HOSE) nhảy vào làm đơn vị phát triển dự án.

Tưởng chừng như việc thay tên, thêm nhà đầu tư đồng hành sẽ làm dự án có tương lai tươi sáng hơn, nhưng sau gần thập kỷ, Manhattan vẫn khiến người mua nhà nơm nớp vì hai chữ “tiến độ”.

Trong đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Hà Nội, khách hàng mua căn hộ tại Manhattan cho biết, việc chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo tiến độ dự án ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của các gia đình mua căn hộ ở đây.

Thậm chí, chủ đầu tư đã dừng thi công dự án từ tháng 12/2018 mà đến thời điểm này chủ đầu tư không có bất kỳ một văn bản nào gửi cho khách hàng để thông báo về lý do dự án dừng thi công. Khi họ cố gắng liên hệ thì đều nhận được những câu trả lời vòng vo, đùn đầy trách nhiệm. Điều này khiến khách hàng cảm thấy mất lòng tin.

Thậm chí, sau khi dự án đã dừng thi công (tức ngày 5/1/2019), chủ đầu tư vẫn gửi công văn yêu cầu các khách hàng mua căn hộ thanh toán tiền đợt 4 theo tiến độ trong hợp đồng mua bán.

Với mong muốn được đối chất với chủ đầu tư - Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình để làm rõ câu trả lời về tiến độ dự án, đại diện nhóm khách hàng đã nhiều lần tìm đến tận địa chỉ trụ sở của công ty này.

Tuy nhiên theo đại diện khách hàng, không lần nào họ gặp được chủ đầu tư mà chỉ có một vài nhân viên văn phòng ra đối thoại. Kết quả họ vẫn không biết được dự án thực sự gặp vướng ở đâu và bao giờ tái khởi động. Trong khi đó nhiều lần liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư cả bằng văn bản, điện thoại đều không được hồi âm.

Bế tắc ở dự án “đất vàng” Manhattan 21 Lê Văn Lương:  Nhiều thiện chí gỡ rối bất thành - 2
Khách hành nhiều lần tìm đến trụ sở Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình nhưng đều không gặp được lãnh đạo.

Để xác minh thông tin trên, PV Dân trí đã nhiều lần liên lạc với phía chủ đầu tư để làm rõ nhưng cũng không nhận được câu trả lời thoả đáng. Lãnh đạo Công ty Ba Đình thoái thác với lý do “bận đi công tác”.

Nhiều thiện chí bất thành

Trao đổi với Dân trí, đại diện Cen Group cho biết họ từng tham gia tiếp thị căn hộ tại dự án Manhattan trong thời gian đầu ra mắt sản phẩm với lời mời từ Landmark Holding - đơn vị hợp tác đầu tư phát triển cùng Ba Đình.

“Việc dự án chậm tiến độ là trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị tham gia đầu tư và phát triển dự án, tuy chỉ tham gia vào khâu tiếp thị sản phẩm nhưng Cen sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ khách hàng để hỗ trợ khách hàng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng trách nhiệm của mình”, đại diện Cen Group cho biết.

Theo thông tin PV tìm hiểu, phía lãnh đạo Cen Group cũng đã nhiều lần tỏ thiện chí với Công ty Ba Đình mong muốn được mua lại dự án, tiếp tục phát triển dự án, bàn giao nhà sớm cho khách hàng nhưng phía Ba Đình từ chối.

Phía Cen Group cũng từng có lần đưa ra đề nghị với chủ đầu tư mua lại dự án để làm văn phòng làm việc hoặc hình thức Co-working, sau đó sẽ thanh lý toàn bộ hợp đồng cho phía khách hàng nếu họ không muốn tiếp tục theo đuổi dự án.

Không chỉ Cen Group, ngay bản thân Landmark Holding - với vai trò phát triển dự án nhưng họ cho biết mình chỉ ở thế “bị động”.

Theo đó, lãnh đạo Landmark Holding gửi công văn yêu cầu đối thoại làm việc với Ba Đình, thậm chí là cả 3 bên nhưng đến việc đó cũng rất khó khăn.

“Để chủ động trong việc trả lời cho khách hàng và chủ động trong việc phát triển dự án, tôi được biết là ban lãnh đạo cũng đã đề xuất mua lại toàn bộ dự án để triển khai nhưng việc thương lượng không thành công”, một lãnh đạo Landmark Holding nói với Dân trí.

Về lý do dừng dự án, lãnh đạo Landmark Holding cho biết do phía Ba Đình không thực hiện thanh toán theo đúng thoả thuận với bên nhà thầu.

Trong khi đó, phía đại diện khách hàng cho biết họ sẽ tiếp tục gửi đơn thư kêu cứu đến các cơ quan chức năng với hy vọng có thể gỡ rối được ở dự án này.

Được biết, mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Thành An và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Ba Đình về việc kiểm tra xử lý thông tin báo chí nêu liên quan đến dự án Manhattan - tên cũ là Thành An Tower số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cụ thể, theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hai chủ đầu tư dự án có trách nhiệm báo cáo làm rõ tình hình triển khai dự án và hiện trạng xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000982 được UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 29/04/2011 điều chỉnh ngày 11/6/2015; việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Đồng thời, hai doanh nghiệp này cũng được yêu cầu làm rõ một số phản ánh của khách hàng như dự án đã dừng thi công đã lâu chưa có dấu hiệu thi công trở lại; chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao nhà.

Chủ đầu tư cũng bị "tố" trong việc vi phạm quy định trong hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện dự án như dự án dừng thi công nhưng chủ đầu tư không thông báo lý do và vẫn yêu cầu khách hàng mua căn hộ thanh toán tiền đợt 4 theo tiến độ hợp đồng (vi phạm khoản 8.2 điều 8 của bản hợp đồng).

Ngoài ra Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc khách hàng không thể vay vốn ngân hàng mua căn hộ. Từ đó, khách hàng hoài nghi chủ đầu tư đem dự án để thế chấp ngân hàng.

Trước đó, Thành uỷ Hà Nội cũng có văn bản chuyển Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, kiểm tra, xử lý báo cáo về việc báo chí phản ánh khách hàng dự án Thành An Tower cầu cứu Bí thư Hoàng Trung Hải.

Thành An Tower là dự án sở hữu mảnh đất vàng diện tích 4.182 m2 tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Tổng công ty Thành An và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Dù được giao đất từ năm 2009 nhưng mãi đến tháng 3/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!

Nguyễn Mạnh