30 sàn môi giới hoạt động "chui", cảnh báo mất tiền cọc mua căn hộ chưa đủ điều kiện
Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 30 sàn mua bán nhà đất hoạt động "chui" ở TP Hạ Long; Bộ Công Thương cảnh báo rủi ro khi đặt cọc mua căn hộ chung cư chưa đủ điều kiện mở bán…
Sàn mua bán nhà đất hoạt động "chui", câu kết làm giá gây sốt ảo
Công an tỉnh Quảng Ninh mới đây có báo cáo về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP Hạ Long. Theo báo cáo này, trên địa bàn TP Hạ Long có khoảng 150 đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản (tư vấn, môi giới bất động sản), hoạt động sàn giao dịch bất động sản.
Đáng chú ý, qua kiểm tra, rà soát chỉ có 34 sàn giao dịch nằm trong danh sách được Sở Xây dựng Quảng Ninh quản lý. Còn lại 30 sàn giao dịch và khoảng hơn 80 doanh nghiệp, cá nhân tại TP Hạ Long không trong danh sách Sở Xây dựng quản lý.
Theo đó, các sàn giao dịch, doanh nghiệp, cá nhân này kinh doanh dịch vụ bất động sản không chấp hành việc đăng ký hoạt động, chế độ thông tin, báo cáo hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản với cơ quan quản lý nhà nước, không tuân thủ theo quy định tại Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, vi phạm Nghị định 139 của Chính phủ.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản, ngăn chặn tình trạng "sốt đất ảo". Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, sàn giao dịch bất động sản chưa được triển khai quyết liệt nên còn xảy ra nhiều sai phạm.
"Do công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch bất động sản, sàn giao dịch bất động sản chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến các sàn giao dịch có nhiều vi phạm, có hiện tượng câu kết với nhau "làm giá", "tạo sóng", gây "sốt ảo" làm nhiễu loạn thị trường bất động sản tại Quảng Ninh", báo cáo Công an tỉnh Quảng Ninh nêu rõ.
Cảnh báo mất tiền cọc khi mua căn hộ chưa đủ điều kiện
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.
Hình thức nhận đặt cọc từ một tờ giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như "Hợp đồng đặt cọc" hay "Văn bản thỏa thuận" về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.
Cục này lưu ý người dân cần tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng cung cấp, cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.
Ngoài các thông tin quảng cáo từ bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng, cần tìm hiểu các thông tin chính thức về dự án và căn hộ từ kênh chủ đầu tư và từ các hồ sơ pháp lý tùy từng giai đoạn. Không vội vàng đặt cọc dựa trên những thông tin một chiều do các đơn vị trung gian cung cấp.
Trong đó, chú ý các điều kiện đối với chủ đầu tư và dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng như: dự án đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.
Đặc biệt, cân nhắc thật kỹ trong trường hợp có các nội dung bất lợi về xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, ví dụ như không cho phép bên đặt cọc chấm dứt hợp đồng hay chế tài đối với bên đặt cọc nặng hơn.
Góp tiền lập làng sinh thái, cẩn trọng rủi ro
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, mô hình làng sinh thái không chỉ tốt trong thời kỳ dịch bệnh mà ngay cả trong những lúc bình thường. Bởi hiện nay nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 tại những nơi gần gũi với thiên nhiên là điều rất tốt.
Bên cạnh đó, ông Đính cho rằng, việc phát triển "làng sinh thái" cũng thúc đẩy mạnh mẽ sự đa dạng các loại hình sản phẩm của thị trường bất động sản. Bởi, mỗi loại hình sẽ phục vụ nhóm đối tượng khác nhau, khi thị trường có đa dạng sản phẩm cũng giúp người dân có lựa chọn đúng với nhu cầu.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, những người tham gia nên cẩn trọng với hình thức kêu gọi đầu tư chung như hiện nay. Không ít trường hợp nhà đầu tư phải "ngậm đắng nuốt cay" khi tiền của mình góp vốn bị mất trắng bởi những giao kèo bằng miệng mà không qua bất kỳ hình thức văn bản pháp lý nào.
Đồng quan điểm với ông Đính, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay pháp luật không cấm những tổ chức, nhóm người đứng lên thành lập làng và có những quy ước với nhau.
Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ, hiểu sai về pháp lý khi góp tiền mua chung đất và chỉ để một người đứng tên. Trong khi đó lại không lập văn bản ghi nhận tỷ lệ góp vốn. Do vậy, rất dễ phát sinh tranh chấp về sau, người góp vốn chung không có tên trong sổ đỏ có thể mất trắng nếu người kia có ý định lừa đảo.
Vị luật sư cho biết, thực tế hiện không thiếu những trường hợp góp tiền mua đất chung. Sau đó, khi xảy ra tranh chấp hoặc lừa đảo mất trắng lại phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
"Khi tham gia đầu tư chung người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật. Tuyệt đối không chỉ giao kèo bằng miệng mà cần các văn bản rõ ràng và có công chứng theo quy định pháp luật", vị luật sư khuyến cáo.