21 người Trung Quốc sở hữu đất "vàng" Đà Nẵng: "Thâu tóm" bằng cách nào?
(Dân trí) - Có 21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng; Phú Quốc sẽ được quy hoạch thành khu kinh tế đặc biệt; Điểm lại những “lùm xùm” của Công ty địa ốc Alibaba... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua...
Có 21 người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng
Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực Sân bay Nước Mặn (Ngũ Hành Sơn) hiện có 246 lô đất.
Qua rà soát, có 21 trường hợp là người Trung Quốc đang đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất. Trước đây, giấy chứng nhận quyền sử dụng những lô đất này được cấp cho cho người Việt Nam chứ không phải người Trung Quốc. Với hình thức mua cổ phần và góp vốn 21 trường hợp này quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc.
Ông Hùng khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn đúng pháp luật còn “có dấu hiệu hay không, có dấu hiệu người Trung Quốc núp bóng hay không” là thuộc về cơ quan điều tra.
Liên quan đến người Trung Quốc tại địa bàn, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết: sẽ tiếp thu và có phản ánh lại với Quốc hội, với cơ quan chức năng của Chính phủ, của Đảng… về vấn đề này.
Doanh nghiệp có người Trung Quốc nào sở hữu 20 lô đất ven sân bay Nước Mặn?
Thông tin doanh nghiệp có người Trung Quốc tham gia đang sở hữu quyền sử dụng hàng chục lô đất ven sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) khiến người dân rất lo lắng.
Trước thông tin trên, PV đã tìm hiểu và được biết, trong 21 lô đất ven biển mà người Trung Quốc được nhận thuê, sở hữu quyền sử dụng đất, 1 lô đất có diện tích 20ha được TP.Đà Nẵng cho Công ty Du lịch và giải trí quốc tế Silver Shore Hoàng Đạt thuê trong 50 năm.
20 lô đất còn lại, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ VN.Holiday đóng tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được sở hữu quyền sử dụng đất.
Phú Quốc sẽ được quy hoạch thành khu kinh tế đặc biệt
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 và quy định pháp luật về quy hoạch.
UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.
Trước đó, tại văn bản số 739/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Thêm đại gia muốn đầu tư vào Quảng Ninh, định làm “siêu” dự án 800ha
UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) vừa có văn bản kết luận ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP này tại cuộc họp nghe phương án quy hoạch dự án khu đô thị mới phường Quang Trung của Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID).
Công ty hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID) là công ty con của Công ty CP Cơ Điện Lạnh (mã CK: REE), tỷ lệ sở hữu 50,61%. Vốn điều lệ của VIID là 410 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới trung tâm phía Nam TP Uông Bí (Phân khu I) tại các phường Yên Thanh và Quang Trung.
Theo đó, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch rộng gần 800 ha. Dân số hiện trạng trong ranh giới quy hoạch khoảng 10.000 người. Dự báo dân số khu quy hoạch đến năm 2030 khoảng 53.000 người.
“Ông trùm” ngành xây dựng Coteccons miệt mài lao dốc đến bao giờ?
Kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống của Coteccons diễn ra trong bối cảnh nội bộ Coteccons "cơm không lành canh không ngọt".
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra với sự tranh cãi gay gắt về việc "sáp nhập Ricons". Tại đại hội, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons nhắc lại, việc sáp nhập với Ricons để tăng cường lợi thế cạnh tranh của CTD bởi nếu sáp nhập Ricons, Coteccons sẽ có 3 công ty xây dựng trong top 5 công ty lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.
Tuy nhiên việc sáp nhập Ricons bị gác lại. Nhóm cổ đông phản đối mạnh mẽ việc sáp nhập Ricons là Kustocem - thành viên của Kusto Group. Kustocem trở thành cổ đông của Coteccons từ năm 2012 và là một trong những cổ đông nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Coteccons.
Không chỉ chỉ số tài chính, giá cổ phiếu CTD trên thị trường cũng liên tục lao dốc, dưới mức 100.000 đồng. Tính đến ngày 20/9, mã CTD của Coteccons ở mức 97.300đồng/cp, giảm hơn phân nửa so với mức đỉnh cuối năm 2017. Vốn hóa Coteccons là hơn 7.600 tỷ đồng.
Hai dự án đất vàng cùng một chủ “đắp chiếu”, cư dân đồng loạt căng băng rôn đòi nhà
Ngày 15/9, hàng trăm khách hàng của dự án Hattoco tại số 110 Trần Phú - Hà Đông đã tập trung trước dự án yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư về vấn đề tiến độ.
Cùng thời điểm, tại một dự án “đất vàng” khác đó là Manhattan số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, một nhóm rất đông khách hàng cũng căng băng rôn phản đối chủ đầu tư thu đến trên 60% giá trị căn hộ nhưng để dự án đắp chiếu.
Hai dự án này khác nhau về địa điểm nhưng có cùng một chủ đầu tư là Công ty CP Tư vấn đầu Xây dựng Ba Đình. Đồng thời hai dự án này đều trầy trật tiến độ khiến người mua lao đao, mệt mỏi.
Điểm lại những “lùm xùm” của Công ty địa ốc Alibaba
Chiều 18/9, ông Nguyễn Thái Lĩnh (em trai của ông Nguyễn Thái Luyện), Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nhìn lại hoạt động của địa ốc Alibaba, nhiều ý kiến cho rằng, việc CEO công ty này bị khởi tố, bắt tạm giam là "cái kết đã được báo trước".
Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được cấp giấy phép kinh doanh ngày 5/5/2016 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty Alibaba đã nâng mức vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng vào ngày 26/9/2017. Đây là sự lớn mạnh “phi thường” khiến nhiều người kinh ngạc.
Công ty này có 3 cổ đông chính gồm ông Nguyễn Thái Luyện sở hữu 80% vốn điều lệ - Chủ tịch HĐQT Công ty; ông Nguyễn Thái Lĩnh sở hữu 10% vốn - Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty; bà Võ Thị Thanh Mai sở hữu 10% vốn còn lại.
Dân nội đô “sống mòn” quanh các khu nhà máy “chây ỳ” di dời
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, ô nhiễm môi trường, rủi ro cháy nổ, quá tải hạ tầng, nhếch nhác bộ mặt đô thị… đang là hàng loạt các vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, xuất phát từ việc các nhà máy, cơ sở sản xuất chây ỳ, chậm di dời ra khỏi nội đô. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô là cấp thiết.
Ngay sát cổng Nhà máy Cao su Hà Nội (đường K2 Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) tồn tại một “bãi rác” lớn với đủ các loại rác sinh hoạt hàng ngày và rác thải công nghiệp, nhếch nhác, bốc mùi, gây bức xúc cho người dân xung quanh; kế đó là hàng loạt ki-ốt của nhà máy thường xuyên trong tình trạng đóng cửa, phủ bụi, rác thải chất đống ngổn ngang, bẩn thỉu. Đối lập với cảnh tượng này là cả một trung tâm thương mại, nhà cao tầng sầm uất, khu dân cư đông đúc, thậm chí là trường học “sát vách” nhà máy…
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)