“Ông trùm” ngành xây dựng Coteccons miệt mài lao dốc đến bao giờ?

(Dân trí) - Coteccons nổi tiếng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức ở tỷ lệ cao. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016, 2017 mà công ty đã thực hiện đều là 50%, năm 2015 là 55% và 2014 cũng là 50%. Tuy nhiên năm nay, con số này chỉ còn 30%...

“Ông trùm” ngành xây dựng Coteccons miệt mài lao dốc đến bao giờ? - 1
Kết quả kinh doanh của Coteccons vẫn tiếp tục lao dốc.

Cổ tức ở mức thấp nhất vài năm trở lại đây

Ngày 27/9 tới, Công ty CP Xây dựng Coteccons sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% (01 cổ phiếu nhận 3.000 đồng).

Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 11/10/2019.

Với khối lượng chứng khoán đang lưu hành là hơn 78 triệu cổ phiếu, Coteccons dự kiến chi hơn 230 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Nguồn tiền chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Coteccons nổi tiếng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức ở tỷ lệ cao. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016, 2017 mà công ty đã thực hiện đều là 50%, năm 2015 là 55% và 2014 cũng là 50%.

Như vậy mức chi trả cổ tức cho năm 2018 là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây tại doanh nghiệp này.

Trước đó, con số về doanh thu, lợi nhuận của “ông trùm” ngành xây dựng tính đến hết quý 2/2019 cũng đã gây thất vọng không nhỏ đối với cổ đông.

Cụ thể, trong quý II năm nay, Coteccons đạt doanh thu thuần trên 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sự sụt giảm chủ yếu do doanh thu hợp đồng xây dựng sụt mạnh so với quý II/2018, đây cũng là nguồn thu chính của Coteccons, đạt 5.782 tỷ đồng.

Tuy giá vốn hàng bán thấp hơn 28% so với cùng kỳ lợi nhuận gộp của Coteccons vẫn rất thấp, chỉ đạt 184 tỷ đồng, giảm tới 67% so với quý II/2018.

“Ông lớn xây dựng” còn phát sinh khoản lỗ từ liên doanh, liên kết hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 1 tỷ đồng).

Do vậy, dù đã tiết giảm được 24% chi phí quản lý doanh nghiệp xuống còn hơn 95 tỷ đồng thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn “bốc hơi” 71% so với kết quả đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng chỉ mang lại cho Coteccons hơn 6 tỷ đồng, giảm 58%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cùng giảm 71% còn lần lượt hơn 156 tỷ đồng và gần 124 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 4 năm qua của Coteccons kể từ quý II/2015.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, Coteccons đạt 10.038 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với nửa đầu năm 2018; lãi trước thuế 883 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 718 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 56% so cùng kỳ.

“Ông trùm” ngành xây dựng Coteccons miệt mài lao dốc đến bao giờ? - 2

Với kết quả này, doanh nghiệp của “đại gia” Nguyễn Bá Dương mới chỉ hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2019.

Để tiến tới “đích” đại hội cổ đông giao phó, xem chừng là một quãng đường còn khá dài.

Trong khi trước đó, việc đặt kế hoạch “đi lùi” cho năm 2019 của Coteccons với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm, lần lượt ở mức 27.000 tỷ và 1.300 tỷ đồng đã gây không ít thất vọng đối với cổ đông.

Nội bộ "cơm không lành canh không ngọt"

Kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống của Coteccons diễn ra trong bối cảnh nội bộ Coteccons "cơm không lành canh không ngọt".

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra với sự tranh cãi gay gắt về việc "sáp nhập Ricons". Tại đại hội, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons nhắc lại, việc sáp nhập với Ricons để tăng cường lợi thế cạnh tranh của CTD bởi nếu sáp nhập Ricons, Coteccons sẽ có 3 công ty xây dựng trong top 5 công ty lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.

Tuy nhiên việc sáp nhập Ricons bị gác lại. Nhóm cổ đông phản đối mạnh mẽ việc sáp nhâp Ricons là Kustocem - thành viên của Kusto Group. Kustocem trở thành cổ đông của Coteccons từ năm 2012 và là một trong những cổ đông nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Coteccons.

Theo Kustocem, với thương vụ mua bán sáp nhập với Ricons, Kustocem không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng. Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương tuyên bố sẽ không bàn chuyện này một lần nữa.

Không chỉ chỉ số tài chính, giá cổ phiếu CTD trên thị trường cũng liên tục lao dốc, dưới mức 100.000 đồng. Tính đến ngày 20/9, mã CTD của Coteccons ở mức 97.300đồng/cp, giảm hơn phân nửa so với mức đỉnh cuối năm 2017. Vốn hóa Coteccons là hơn 7.600 tỷ đồng.

Nguyễn Mạnh