Ý kiến Luật sư xung quanh vụ việc tại Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì văn bản chỉ đạo “lạ lùng” của Phó chủ tịch huyện

Như diễn biến sự việc xảy ra tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên khi ông Lê Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi ban hành Văn bản số 244/UBND - GPMB, ngày 23/7/2012 “dọa” sẽ áp dụng biện pháp mạnh đối với cán bộ viên chức và người dân nếu không tuyên truyền vận động được bố mẹ đóng tiền “còn thiếu” khi mua suất đất TĐC.

Ý kiến Luật sư xung quanh vụ việc tại Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì văn bản chỉ đạo “lạ lùng” của Phó chủ tịch huyện
Ý kiến Luật sư xung quanh vụ việc tại Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì văn bản chỉ đạo “lạ lùng” của Phó chủ tịch huyện

Chỉ vì bố mẹ đang còn tranh cãi về khoản tiền phải nộp khi mua suất đất tái định cư (TĐC) của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn qua huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên mà hàng loạt người dân xã Tân Phúc phải gánh chịu hậu quả của một Văn bản "lạ lùng" được ban hành của ông Lê Văn Chí -  Phó Chủ tịch UBND huyện Ân Thi.

 Theo Văn bản trên, “Để chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm túc, nhất là các gia đình có con đang là cán bộ viên chức, công tác và sinh sống trên địa bàn huyện. UBND huyện yêu cầu phòng Giáo dục và đào tạo huyện, phòng Nội vụ huyện, Trường THCS Bắc Sơn tạm thời giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thị Thủy, hiện là kế toán tại trường THCS Bắc Sơn là con gái ông Nguyễn Thanh Vang và bà Nguyễn Thị Huyền giành thời gian về tuyên truyền, giải thích để ông, bà chấp hành nộp số tiền còn thiếu về Hội đồng bồi thường huyện trước ngày 27/7/2012.

 Nếu quá thời hạn nêu trên, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Nội vụ, Trường THCS xã Bắc Sơn sẽ có biện pháp mạnh đối với cán bộ viên chức không làm tốt công tác vận động tuyên truyền để gia đình không chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước quy định.

Yêu cầu UBND xã Tân Phúc, mọi giao dịch quyền lợi của gia đình ông Nguyễn Thanh Vang và bà Nguyễn Thị Huyền đều không được xác nhận cho đến khi gia đình chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Ngoài trường hợp của chị Thủy như đã nêu rõ trong Văn bản thì còn có trường hợp của anh Đặng Sỹ Đồng cũng ở xã Tân Phúc khi anh không thể làm giấy khai sinh cho con gái mình mặc dù cháu đã 3 tuổi chỉ vì anh còn tranh cãi về số tiền mà UBND xã bắt anh phải nộp thêm khi mua suất đất TĐC. Vụ việc này được PV phản ánh và UBND xã Tân Phúc mới cấp giấy khai sinh cho con gái anh.

Trước sự việc trên, PV TTTĐ đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Hoà - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc trên.

Xin ông cho biết quan điểm của mình về văn bản chỉ đạo dừng mọi giao dịch khi còn thiếu tiền suất tái định cư của ông Phó Chủ tịch huyện Ân Thi, Lê Văn Chí?

Tại điều 3, điều 14  Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013) đã khẳng định nguyên tắc: Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. 

Như vậy văn bản chỉ đạo của Phó chủ tịch huyện Ân Thi yêu cầu UBND xã Tân Phúc, mọi giao dịch quyền lợi của của gia đình ông Vang, bà Huyền đều không được xác nhận do chưa nộp tiền khi mua suất tái định cư là vi phạm pháp luật, hiến pháp năm 2013.

Hơn nữa, theo văn bản trên UBND huyện Ân Thi sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, phòng nội vụ, trường THCS Bắc Sơn sẽ có biện pháp mạnh đối với cán bộ viên chức không tuyên truyền vận động được bố mẹ đóng tiền còn thiếu khi mua suất đất tái định cư là vi phạm luật cán bộ công chức, luật viên chức. Luật cán bộ công chức cũng như luật viên chức đều quy định rõ: Công chức, viên chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ, được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp và chỉ phải chịu các hình thức kỷ luật khi vi phạm quy định của Luật cán bộ công chức, luật viên chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm

Nếu chiếu theo Luật và Hiến pháp nước CHXHCNVN, việc công dân bị cắt đi quyền công dân không được khai sinh chỉ vì nộp thiếu tiền TĐC như văn bản trên đã vi phạm vào điều khoản nào?

Theo điều 7 Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, đã được thông qua và ký kết ngày 20 tháng 11 năm 1989 và có hiệu lực từ ngày 2 tháng 9 năm 1990: “Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, quyền có quốc tịch và trong chừng mực có thể, quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc sau khi ra đời”.

Quyền được khai sinh là một trong những quyền nhân thân quan trọng của trẻ em không chỉ được pháp luật quốc tế quy định và bảo vệ mà pháp luật nước ta cũng đã thể chế hóa quyền được khai sinh này.

Hiến pháp 2013 đã khẳng định nguyên tắc: Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (Điều 3, điều 14 Hiến pháp 2013).

Điều 11 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”.

Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền được khai sinh “Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Quyền khai sinh của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự là việc khẳng định sự bảo vệ của Nhà nước đối với giá trị của quyền khai sinh. Quyền được khai sinh là quyền đầu tiên khẳng định trẻ em là một công dân một quốc gia, là một công dân bình đẳng như mọi công dân khác và đây là cơ sở phát sinh các quyền và nghĩa vụ của công dân, mà quyền đầu tiên ở đây của trẻ em là quyền được chăm sóc và bảo vệ.

Điều 14 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Xin ông cho biết trong trường hợp trên, không đồng ý với việc làm của cơ quan không giải quyết thủ tục hành chính thì người dân phải làm gì để bảo quyền lợi của mình?
Căn cứ theo Luật Luật tố tụng hành chính năm 2010 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2010 để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có quyền: Khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi không giải quyết thủ tục hành chính hoặc khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về hành vi đó người dân vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án

Thời hiệu khởi kiện là 01 năm, kể từ ngày biết được hoặc nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính. 

Đối với việc vi phạm như vậy, căn cứ vào Luật hiện hành, người ra văn bản trên đã phạm vào tội danh nào của Luật và hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số: 40/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính Phủ  về kiểm tra và xử lý văn bản pháp luật, Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản có nội dung trái pháp luật như trên, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức. Thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Trường hợp cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 285 Bộ luật hình sự được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) Tại điều 285 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nêu rõ: 1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm.

Trong trường hợp này, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm việc xử lí người ra văn bản vi phạm Luật như trên? 

Theo quy định tại Nghị định số: 40/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính Phủ  về kiểm tra và xử lý văn bản pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm tổ chức kiểm tra văn bản trên Khi kiểm tra, phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, Giám đốc Sở Tư pháp thông báo để cơ quan đã ban hành văn bản tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật,  người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. Trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không xử lý theo thời hạn quy định hoặc Giám đốc Sở Tư pháp không nhất trí với kết quả xử lý thì Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên xử lý theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tuổi trẻ thủ đô