Ý kiến luật sư trước hành vi chế biến, buôn bán “cà phê bẩn”

(Dân trí)- Sau khi Dân trí đăng tải loạt bài về tình trạng dùng hóa chất “biến” bắp, đậu thành... cà phê đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu bạn đọc. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu? Quy định của pháp luật để xử lý các đối tượng này?

Ý kiến luật sư trước hành vi chế biến, buôn bán “cà phê bẩn” - 1
Caramen tạo mùi, màu và vị đắng tự nhiên 

Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Dân trí với luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về sự việc trên.

Xin ông cho biết về điều kiện chế biến thực phẩm được pháp luật quy định như thế nào?

Vấn đề an toàn trong chế biến thực phẩm nói riêng và vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, hiện nay đang được nhà nước chú trọng quan tâm. Hiện tại Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành (đến tháng 7/2011 mới có hiệu lực). Điều này cho thấy tầm quan trọng của chính sách pháp luật đối với vấn đề vệ sinh an toàn thức phẩm.

Hiện tại Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH có quy định về vấn đề an toàn chế biến thực phẩm được quy định:

Về nơi chế biến được quy định tại Điều 13 như sau:“…phải được đặt trong khu vực có đủ điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nơi chế biến thực phẩm phải được thiết kế, xây dựng, lắp đặt, vận hành bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Việc sử dụng nguyên liệu để chế biến thực phẩm, Điều 13 ghi rõ: “Phải bảo đảm vệ sinh an toàn theo quy định của pháp luật. Cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện mọi biện pháp để thực phẩm không bị nhiễm bẩn, nhiễm mầm bệnh có thể lây truyền sang người, động vật, thực vật. Cơ sở chế biến thực phẩm phải bảo đảm quy trình chế biến phù hợp với quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
 
Ý kiến luật sư trước hành vi chế biến, buôn bán “cà phê bẩn” - 2
Luật sư Trương Anh Tú trả lời PV Dân trí (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Xin ông cho biết trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước thực trạng cà phê bị pha trộn, chế biến không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn thực phẩm của một số cơ sở chế biến cà phê mà Báo Dân trí đã đưa tin gần đây?

Trên thị trường hiện nay có nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước bằng chất lượng; bên cạnh đó không ít các doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt coi thường chất lượng và an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến. Điều này đặt ra trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong những trường hợp này các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình họ có thể tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các cở sở sản xuất chế biến nói trên. Nếu phát hiện có những dấu hiệu vi phạm họ lập biên bản  tiến hành xác minh và xử lý vi phạm tùy theo mức độ.

Tuy nhiên, thông thường thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh khi đưa sản phẩm thực phẩm vào lưu thông đều phải công bố tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc công bố này được các cơ quan y tế có thẩm quyền kiểm tra trên thực tế, do đó việc phát hiện các sản phẩm thực phẩm chế biến có đảm bảo chất lượng hay không rất rõ ràng.

Song song tồn tại với doanh nghiệp này là các cơ sở sản xuất cà phê nhỏ lẻ (có thể là không phép) họ thực hiện việc chế biến và chuyển đi tiêu thụ mà không cần tiến hành kiểm tra chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này dẫn tới các cơ quan chức năng không kiểm soát được những sản phẩm này và quá trình chế biến có đảm bảo vệ sinh không.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng sử dụng cà phê nói riêng và thực phẩm nói chung các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa việc kiểm tra chất lượng cũng như quy trình chế biến các sản phẩm thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm. Đồng thời có biện pháp xử lý chặt chẽ để ngăn chặn cũng như răn đe việc đưa ra thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và chất lượng của một số cơ sở sản xuất cà phê không thương hiệu, tên tuổi.
Ý kiến luật sư trước hành vi chế biến, buôn bán “cà phê bẩn” - 3
 Mỡ công nghiệp xuất xứ Trung Quốc để tạo độ béo ngậy cho cà phê 

Ông cho biết pháp luật quy định xử phạt các đối tượng này như thế nào? Có xử lý hình sự không?

Theo quy định tại điều 51 Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm: " Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này hoặc các quy định khác của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".

Như vậy, đối với trường hợp cơ sở sản xuất cà phê mất vệ sinh như loạt bài “cà phê bẩn” mà Dân trí  đưa tin đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc này chẳng khác gì cho người tiêu dùng uống "nước cốt than", uống "thuốc độc" chứ đâu phải cà phê. Do đó các biện pháp xử phạt đối với các đối tượng này được áp dụng theo quy định tại điều 51 nói trên.

Việc có xử lý hình sự hay không thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả từ hành vi của từng đối tượng cụ thể.

Vậy ông cho biết biện pháp để ngăn chặn các hiện tượng này của một số cơ sở sản xuất cà phê  nói trên?

Biện pháp ngăn chặn tối ưu nhất đối với các hiện tượng trên cần có sự gắn kết phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người tiêu dùng.

Về phía cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát quá trình hoạt động chế biến cà phê của các cơ sở sản xuất cà phê, thiết lập đường dây nóng để nhân dân kịp thời thông báo. Thực hiện xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở có vi phạm.

Về phía người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn loại cà phê, nên chọn lựa các loại cà phê có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời biết lên tiếng đấu tranh khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, nếu phát hiện cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng.

Vũ Văn Tiến (thực hiện)