Xử lý "đinh tặc" có khó không?
(Dân trí) - Từ "đinh tặc" do người dân và báo chí gán cho những kẻ rải đinh trên đường không thật chính xác, nhưng phần nào đó cũng đúng vì những kẻ thất nhân tâm như vậy phải bị coi như một loại "giặc".
Có lẽ chưa nơi nào trên thế giới lại có kiểu phạm tội kỳ dị như nạn rải đinh ở nước ta. Vật gây án rất nhỏ, chỉ là cái đinh, nhưng hậu quả lớn bởi từ đó đã dẫn tới biết bao vụ tai nạn giao thông gây thương tật, thậm chí tử vong…
Từ "đinh tặc" do người dân và báo chí gán cho những kẻ rải đinh trên đường không thật chính xác, nhưng phần nào đó cũng đúng vì những kẻ thất nhân tâm như vậy phải bị coi như một loại "giặc". Loại giặc này lúc rộ lên, lúc tạm lắng suốt từ hơn 10 năm qua, chủ yếu ở TP. HCM và một số tỉnh lân cận.
Trên một số tuyến đường cao tốc ở thủ đô Hà Nội cũng đã xảy ra hiện tượng này. Nó không gây quá nhiều nguy hiểm, nhưng vẫn khiến công luận và người dân lo lắng, bất an.
Mạng xã hội vừa lan truyền thông tin về việc có kẻ xấu giăng bẫy đinh trên tuyến ĐT818, đoạn qua huyện Thủ Thừa (Long An). Cụ thể, khoảng 19h30 ngày 29/9, chị N.T.N.T. (42 tuổi, ngụ huyện Bến Lức) đi ô tô cùng người em đến đoạn cầu T4 trên đường tỉnh 818 hướng về quốc lộ N2.
Khi đến đoạn gần dốc cầu T4, ấp 3 xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, chị phát hiện có 2 tấm ván gắn đầy đinh đặt gần dốc cầu. Nhiều xe đi cùng chiều phải dừng lại dùng đèn pin rọi xung quanh. Lúc này, một nhóm người nghi đặt bàn đinh đang núp dưới chân cầu gần đó bỏ chạy.
Hiện Công an huyện Thủ Thừa (Long An) cho biết đã nắm được phản ánh của người dân và đang xác minh về việc có 2 tấm ván gắn đầy đinh đặt giữa đường, bẫy xe đi lại.
Gửi bình luận về Dân trí sau bài viết Công an vào cuộc vụ bẫy ô tô, xe máy bằng 2 tấm ván gắn đầy đinh độc giả Thanh Nguyễn viết: "Những chuyện nhỏ như cái đinh, dân biết, dân phản ánh nhiều nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý thường xuyên và triệt để. Nếu không xử lý triệt để, chuyện cái đinh sẽ như những cái gai đâm sâu vào cơ thể mỗi chúng ta, gây đau buốt, nhức nhối mãi. Nếu ta không nghiến răng chịu đau, kiên quyết nhổ những cái gai ấy đi, nỗi đau nhức sẽ mãi còn đó và ngày càng gia tăng".
Độc giả Võ Phú Hậu cho rằng, ngoài tội cố ý phá hoại tài sản, những kẻ rải đinh, gài đinh cần phải bị xử thêm tội coi thường mạng sống người khác, hoặc cố ý tước đoạt mạng sống người khác. "Nói chung, bắt được "đinh tặc" thì phải xử án tù, tăng mức phạt hành chính gấp 10 lần, có vậy mới đủ sức răn đe".
Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, có thể thấy những năm 2011 - 2014 dù "đinh tặc" liên tục xuất hiện, gây bức xúc trong xã hội nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng khó xử lý hình sự, vì bộ luật Hình sự chưa quy định về hành vi này.
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý cá nhân vi phạm vào tội "cố ý làm hư hỏng tài sản", với yếu tố cấu thành tội phạm "gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nhận thấy "lỗ hổng" trên, bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung hành vi rải đinh vào điều 261 quy định về tội "cản trở giao thông đường bộ".
Theo đó, người nào đặt, để, đổ... vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ làm chết người, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đặt, rải đinh cản trở giao thông đường bộ chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật: rải đinh có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.
Luật sư Xuyến cho rằng, nếu dựa theo quy định tại điều 261 thì rất khó trường hợp "đinh tặc" nào có thể bị xử lý hình sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là cần thiết để ngăn chặn tình trạng "đinh tặc" xảy ra hiện nay.