Xin xem xét đến cội nguồn của vụ án con giết cha!
Khi đọc tin Phan Minh Mẫn phải lĩnh án tử hình, tôi thấy thật xót xa cho gia cảnh của phạm nhân: người cha nát rượu chuyên đánh đập vợ con đã bị chính người con trai giết hại và nay đến lượt người con đó sẽ bị đưa ra pháp trường!
Nếu xét đơn thuần về mặt pháp lý thì Mẫn mắc tội giết người, mà người đó lại đẻ ra mình!
Ở đây chúng ta thử đặt trường hợp ngược lại rằng: Nếu cha Mẫn là người có đạo đức, làm tròn phận sự của người chồng, người cha trong gia đình, không rượu chè be bét, không đánh chửi vợ con tàn nhẫn mỗi khi nát rượu trở về nhà thì liệu việc dẫn đến hành động giết cha của Mẫn có xảy ra không?
Hơn nữa theo nội dung của bài báo VnExpress ngày 17/7 đã viết "Phan Minh Mẫn là sinh viên Cao đẳng kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm. Gia cảnh rất khó khăn nhưng người mẹ đã vay mượn khắp nơi để lo cho Mẫn được ăn học thành người bởi cậu vốn hiền lành, ngoan ngoãn và luôn là học sinh giỏi của trường”. Tôi thiết nghĩ với tư chất của một cậu học sinh như thế, lại thêm lời khẩu cầu thiết tha của mẹ và bà nội Mẫn xin đề nghị Tòa giảm án cho Mẫn mà cuối cùng Tòa án vẫn đưa ra mức án cao nhất là tử hình đối với Mẫn. Tôi và nhiều người thân quen của tôi đều cho đó là một quyết định đúng lý nhưng quá nặng, nên xem xét lại.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Chúng ta thử xem Mẫn giết cha để được cái gì, có phải Mẫn được một số tài sản lớn từ người cha hay một cái gì đó quý giá hơn tài sản từ nơi cha minh, ở đây hoàn toàn chẳng có lợi lộc gì cho Mẫn cả, mà chỉ vì sự bồng bột muốn giải thoát cái kiếp sống bị đọa đầy của mẹ mình do người cha nát rượu gây nên. Vì suy nghĩ chưa chín nên Mẫn đã hành xử như thế, và thế là Mẫn đã vĩnh viễn mất đi một người cha và tự hủy hoại tương lai và cuộc sống của mình, đẩy mẹ tới bi kịch còn lớn lao và đau khổ hơn cảnh hằng ngày bị chồng đánh chửi!
Vô tình, được đọc bài báo này, tôi thấy động lòng và tha thiết mong rằng TAND TPHCM nên xét thêm tình tiết và cội nguồn của vụ án, nhất là động cơ của kẻ phạm tội để có thể giảm nhẹ mức án cho Mẫn, cũng là chiếu cố sự khẩn cầu thiết tha của mẹ và bà nội của Mẫn, để đỡ đi phần nào sự đau khổ lớn lao chồng chất lên gia đình này. Hơn nữa, Mẫn vốn là một sinh viên chăm chỉ và có năng lực học tập, có khả năng cải tạo tốt để làm lại cuộc đời, đền đáp công lao của người mẹ vất vả cả đời nuôi con khôn lớn và học hành.
Tôi tin rằng trường hợp của em Phan Minh Mẫn, với bản chất nhân đạo chế độ xã hội chúng ta sẽ cải tạo và giáo dục em Mẫn trở thành một con người lương thiện, biết sống hữu ích cho gia đình và xã hội.
Đặng Thanh Hải
LTS Dân trí - Nếu xét về mục đích của việc xét xử của Tòa án nói chung là đem lại sự công bằng trong xã hội, trừng trị những kẻ có tội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bị hại, góp phần bảo đảm trật tự, an ninh và kỷ cương xã hội cũng như hạnh phúc của mỗi gia đình.
Vì vậy, muốn xét xử công bằng để đưa ra mức án đúng người đúng tội, các thành viên của tòa án bao giờ cũng xem xét một cách toàn diện những tình tiết dẫn tới vụ án. Cùng với sự buộc tội của công tố viên, bao giờ cũng có luật sư bào chữa và phạm nhân cũng có quyền tự bào chữa. Đấy là việc làm thông lệ và không thể thiếu trong quá trình tố tụng và kết án.
Riêng đối với vụ án được đề cập trong bài viết trên đây, có tình tiết về động cơ và gia cảnh của kẻ phạm tội không biết đã được xem xét thấu đáo chưa. Đấy là điều băn khoăn của tác giả bài viết và mong muốn TAND TPHCM xem xét kỹ hơn để giảm nhẹ mức án theo lời khẩn cầu của mẹ và bà nội phạm nhân. Đề nghị này có hợp lý và đáng chấp nhận hay không thuộc về quyền xem xét của TAND TPHCM.