Xin đừng vống lên chuyện ai giàu nhất Việt Nam!
(Dân trí) - Gần đây dư luận nói khá nhiều đến những người giàu nhất Việt Nam, thậm chí nêu cả danh tánh với tài sản dự đoán mà họ có. Điều này thực ra chẳng giúp gì cho những doanh nhân này mà có khi còn làm hại họ.
Thậm chí có cả 1 cuốn sách viết dưới tựa đề “Ai là người giầu nhất Việt Nam” với những cách đánh giá rất chủ quan, phiến diện. Ví dụ trong cuốn sách này đánh giá về ông Đặng Lê Nguyên Vũ, được coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam bởi những giá trị tài sản mà ông có như tiền của trong công ty, bất động sản ông đang có.
Nhưng có một lần (người viết bài này) hỏi ông Vũ một câu là thực ra ông có tài sản bao nhiêu và đúng là ông nằm trong TOP 10 người giàu nhất Việt Nam hay không, ông Vũ than trời: Làm sao tôi có thể tự cho mình là người giàu nhất được, tôi chỉ là người đang cố gắng đóng góp vào sự phát triển của xã hội Việt Nam thôi. Ông Vũ từ chối xác định mình có bao nhiêu tiền.
Có lần tôi cũng tiếp xúc với một doanh nhân Việt kiều được nêu trong cuốn sách này, anh ta cũng lắc đầu than: “Tôi đâu có phải là người giàu đến như thế. Mà có cách nào đánh giá được như thế đâu”.
Hôm trước, gặp một doanh nhân nữa được nêu tên trên một số tờ báo với cách đánh giá xanh rờn: “Ông là Chủ tịch HĐQT một tập đoàn công nghệ thông tin mạnh nhất Việt Nam, với số tài sản của ông lên đến vài ngàn tỉ đồng”. Ông cười như mếu: “Biết được thông tin mấy lâu nay, tôi buồn quá, vừa buồn, vừa sợ. Cái sự giàu bây giờ không phải là cái để khoe”.
Trong mấy ngày gần đây, những người giàu bị báo chí đưa vào danh sách bắt đầu lên tiếng phản ứng. Như trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn, người của Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ dầu khí nắm tổng số cổ phiếu giá trị tới 798 tỉ đồng hay bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE nắm giữ 10,9 triệu cổ phiếu với giá trị 781 tỉ đồng. Những người này thực chất là đang đại diện cho số cổ phiếu của công ty chứ không phải là cổ phiếu của cá nhân họ.
Những người bị liệt kê vào bảng danh sách giàu đang than trời. Những người giàu từ sự làm ăn bất chính sẽ bị luật phát trừng trị, nhưng những người làm giàu chân chính đâm ra lại lo ngại trước sự đánh giá này. Họ có rất nhiều cái để phải lo sợ: Người ta sẽ đặt dấu hỏi làm sao mà giàu thế, làm sao mà giàu nhanh thế? Rồi sẽ không ít kẻ ganh ghét, đố kỵ. Thậm chí họ sợ cả những đòn đánh của cơ chế và tư duy cũ vẫn còn khá nặng nề để khống chế sự giàu của cá nhân như trước đây đã từng diễn ra.
Sự khiêm tốn bao giờ cũng tốt. Các doanh nhân thành đạt ở Việt Nam thực ra đang đóng góp rất hữu ích cho sự phát triển của đất nước nhưng bản chất của người Á Đông, hay của người Việt Nam luôn là sự giữ mình. Việc công bố một cách hời hợt, chẳng dựa trên những chuẩn mực hay tiêu chí nào của một vài tờ báo, của một vài phóng viên, vô tình lại khiến những người giàu đang làm ăn chân chính lo sợ.
Chúng ta mong Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nhân giàu có, thậm chí có tài sản lên đến nhiều ngàn tỉ đồng, bởi dân có giàu thì nước mới mạnh, nhưng chúng ta cũng cần phải đặt một câu hỏi trước khi định nêu những thông tin về họ rằng họ có muốn như vậy hay không và đã đến lúc chưa?
Minh Quang