Xin đừng biến phong tục thành hủ tục

(Dân trí) - Ngày bé, tôi thường được bà ngoại đọc cho nghe rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, tôi nhớ có câu “sống dầu đèn, chết kèn trống”. Ngày ấy, dù chẳng hiểu gì cả nhưng tôi thấy ở làng, nhà nào có người chết là có kèn trống và bọn trẻ con chúng tôi rủ nhau đi xem.

Lớn lên, tôi biết những người đảm nhận việc kèn trống được gọi là “Đội nhạc hiếu” hoặc “Phường bát âm” tuỳ theo từng địa phương. Tôi hiểu được rằng, kèn trống trong đám ma không chỉ là để tỏ lòng thương tiếc người ra đi mà đó còn là một phong tục đã có từ lâu đời của người Việt Nam. Nghe những giai điệu bi ai tiễn đưa người quá cố về nơi chín suối, dù đó là người già hay trẻ, là ngàơi thân hay người không quen biết, ta cũng đều chạnh lòng tiếc thương.

 

Trở về quê hương sau một thời gian gần chục năm đi học và đi công tác, cùng với sự đổi mới, đô thị hoá đến chóng mặt, tôi thấy đám ma ở quê tôi giờ đây cũng khác. Vẫn là kèn trống, nhưng không còn đơn giản như xưa. Thay vào đó là một đội quân cỡ chừng 5 - 7 người, không phải là những ông già hay người đã luống tuổi, mà đa phần toàn các cậu thanh niên trên dưới 30 một chút, mỗi người phụ trách một loại nhạc cụ.

 

Thư từ, bài vở tham gia mục Diễn đàn Dân trí xin qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Điều đáng bàn ở đây là họ không chỉ đánh trống, thổi kèn “mộc” như trước kia mà còn kèm theo những đồ chuyên dụng như loa đài, tăng âm để khuyếch đại âm thanh lên gấp nhiều lần. Nhà nào có người nằm xuống là cả khu phố khổ sở vì âm thanh kèn trống ầm ĩ, đinh tai nhức óc.

 

Lại còn cả việc khóc mướn, ai đó đến viếng đều có thể thuê vài nghìn để họ khóc than cho một bài. Những giai điệu thê lương, ai oán của người khóc mướn, nghe mà não nùng đến rợn cả người, nhất là vào ban đêm.

 

Thời gian từ lúc có người nằm xuống đến lúc tiễn đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng ít nhất cũng phải 2 ngày. Vậy là trong 2 ngày ấy, từ sáng sớm cho đến 11h khuya, cả khu phố chìm trong tiếng kèn trống khóc than vang lên từ những chiếc loa công suất lớn. Đó là chưa kể có những lúc trong một khu phố có đến mấy cụ  ra đi cùng một ngày, âm vang kèn trống càng trở lên hỗn loạn.

 

Rất nhiều người thấy việc ma chay, kèn trống như vậy là không văn hoá, nhưng chẳng dám nói ra vì ai cũng ngại. Nhà nào mà chẳng đến lúc có cụ “về già”, thiên hạ người ta đều thế cả, nhỡ lúc đến lượt mình thì sao? Còn chính quyền và các cơ quan văn hoá tại địa phương thì không hiểu sao cũng chẳng thấy có động tĩnh gì.

 

Hình như khi xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Khu phố văn hoá” người ta chỉ chú trọng đến việc thực hiện nghĩa vụ với địa phương, xem gia đình ấy có nộp đủ các khoản quỹ không, có người nghiện hút không... Còn việc tổ chức ma chay ầm ĩ như trên được coi là bình thường, chẳng có ảnh hưởng gì.

 

Thiết nghĩ, việc duy trì phong tục tập quán và nét đẹp văn hoá của dân tộc là rất cần thiết, song đừng làm những phong tục bị biến dạng đi như ở quê tôi. Người ra đi đã là một mất mát, thương đau không gì bù đắp được. Điệu kèn, tiếng trống là để thay lời tiễn biệt người quá cố và chia sẻ cùng gia quyến họ. Nghe thấy ở đâu có kèn trống là đã đủ biết ở đó có người vừa nằm xuống, đâu cần phải tăng âm ra loa phóng thanh làm chi cho ầm ĩ phố phường.

 

Nguyễn Thu Thương

(Tổ 26 - Bắc Cường - Lào Cai)

 

LTS: Chúng tôi đồng tình với ý kiến của bạn Nguyễn Thu Thương. Việc duy trì phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, của mỗi dịa phương, mỗi vùng quê là cần thiết nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng nếu biến những phong tục, tập quán không chỉ trong cách thức tổ chức đám ma mà cả trong lễ hội vốn lành mạnh thành những hủ tục, mang tính chất mê tín dị đoan, thì đấy là việc làm phản văn hóa cần bài trừ.