Xin đừng biến lòng đường thành sân phơi

Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra do ý thức kém khi người dân tự ý đem lúa, ngô, rơm rạ… ra phơi trên đường. Việc đem sản phẩm hay phụ phẩm nông nghiệp đem phơi trên đường hiện nay là khá phổ biến, diễn ra khắp các tỉnh thành trong nước.

Ban đầu thì phơi ở phần hành lang giao thông phía trong lề đường, rồi tiến dần đem phơi hai bên lề đường, rồi phơi vào khu vực dành cho người đi bộ và các phương tiện thô sơ. Riêng với các phụ phẩm, vì không quan trọng nên người ta đem phơi kín cả mặt đường như rơm, rạ, cây lạc...

Ban đầu thì rải mỏng, sau đó do nhiều người tham gia, nên mật độ phơi dày suốt cả chiều dài và suốt cả tuần, cả vụ. Khi đem sản phẩm ra phơi, người ta thường để hòn đá, gỗ, củi hay vật cản gì đó để ngăn không cho các phương tiện giao thông đi vào đè lên sản phẩm.

Có người còn làm cả rào chắn để phơi, coi như là sân phơi riêng của nhà mình, tất nhiên ai không may tránh nhau, làm hư, hỏng sản phẩm nếu không đền bù thì khó đi được. Tại các thời điểm sáng là đem sản phẩm ra phơi, chiều tập trung thu gom về, thường làm cản trở giao thông và hay xẩy ra tai nạn nhất.
Xin đừng biến lòng đường thành sân phơi  - 1
Chuyện người dân phơi phụ phẩm trên quốc lộ vẫn chưa có lời giải (Ảnh: Nguyễn Duy)

Một anh bạn tôi đã ví rằng chỉ có người dân Việt Nam mới có chiếc “sân phơi” dài, rộng nhất thế giới. Điều đáng bàn là không thấy ai nhắc nhở, hay xử phạt. Từ chỗ nơi này phơi, người này phơi được, nơi khác và người khác cũng đem phơi, trở thành “phong trào” cả làng, cả xã, thậm chí cả tỉnh, cả nước cùng phơi.

Trong khi Cảnh sát giao thông thường xuyên luôn có mặt trên đường, nhưng cũng không có biện pháp nhắc nhở, đẩy đuổi… Chính quyền các cấp cũng không thấy đả động đến. Và, thế là tất cả “cho qua” người dân càng được lướt, vi phạm hành lang an toàn giao thông ngày càng nhiều, càng trầm trọng.

Để bảo đảm an toàn giao thông, chúng tôi thiết nghị trước hết cảnh sát giao thông cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, đẩy đuổi và xử phạt nặng kẻ cố tình vi phạm. Chính quyền các cấp nhất là tuyến cơ sở cần tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, giáo dục mọi người về ý thức giao thong.

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở mọi người tự giác chấp hành, không phơi thóc lúa, ngô khoai và các phụ phẩm trên mặt đường, để đảm bảo giao thông thông thoáng, an toàn.

Về lâu dài đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu dành quỹ đất, để làm sân phơi hợp lý. Trước đây còn hợp tác xã, còn sân phơi, nay các sân phơi hầu như không còn, làm ảnh hưởng lớn đến việc phơi phóng của bà con nông dân, nhất là khi thời vụ đến.

Chúng ta đang thực hiện chiến dịch an toàn giao thông, thiết nghĩ rằng những điều tưởng như rất nhỏ về việc phơi nắng các sản phẩm trên đường giao thông, không chỉ tạo ra tiền lệ xấu về ý thức chấp hành luật lệ, mà còn gây ảnh hưởng lớn làm cản trở các phương tiện giao thông, thậm chí gây ra tai nạn khó lường.

Rất mong chính quyền các cấp quan tâm, xem xét. Đừng để đường giao thông thành sân phơi như hiện nay.

Phùng Văn Mùi