Xiết chặt quản lý, lộ mặt “quan tham”!

Tình trạng tham nhũng trong mọi thời đại và mọi xã hội đều gây bất bình lớn trong xã hội.

Chiết tự cụm từ “tham nhũng”, bao giờ “tham” chưa mất thì “nhũng” sẽ vẫn còn. Vậy nên giải quyết vấn đề từ gốc là làm gì để tiết chế và triệt tiêu lòng tham ở người giữ vị trí công tác có điều kiện tư lợi. Tất nhiên “lòng tham” nó như một căn bệnh nan y rất khó chữa nếu không có một “phác đồ” hợp lý và những “kháng sinh” cực mạnh. Ở đây, bên cạnh việc lấy giáo dục làm “gốc” và mang tính dự phòng thì chế tài mạnh với các hình phạt nghiêm khắc, thậm chí hà khắc mới là “thuốc” để trị căn bệnh này.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chống tham nhũng càng mạnh thì quan tham càng ăn “khéo”, ăn “tinh vi”. Nhưng đã là hành vi phi pháp thì thông thường sớm hay muộn cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng. Lấy dẫn chứng từ một kiểu ăn tinh vi như quan tham Tưởng Hiển Phúc, Phó Bí thư Thành ủy Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông này có một “nguyên tắc” riêng: nhận hối lộ “đối với khoản tiền lớn thì phải dè chừng, còn những khoản tiền nhỏ thì có thể nhận, vì có thể xem đó là "lễ kim" (tiền biếu) thông thường trong quan hệ tình cảm với nhau”. Kiểu ăn này, người ta gọi là “ăn ít, nhưng ăn nhiều bữa”. Tưởng Hiển Phúc đã ăn trót lọt theo cách này với số tiền lên đến 328.038 nhân dân tệ (tương đương hơn 6,5 tỉ đồng) của 17 người “cậy nhờ” ông ta. Nhưng rồi Tưởng Hiển Phúc cũng phải ra vành móng ngựa và cúi đầu nhận tội cho dù có “khéo ăn” đến mấy.

Ở nước ta, tham nhũng cũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Năm 2007, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng cả nước đã phát hiện 584 vụ, 1.299 đối tượng có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại 865.358 triệu đồng, trong đó đã khởi tố mới 435 vụ, 978 bị can và đưa ra xét xử 360 vụ, 843 bị can. Tất nhiên chúng ta đã xử lý đúng người đúng tội, nhưng “mức án” dành cho quan tham có lẽ vẫn chưa làm cho nhiều người có ý định “tham” phải kinh sợ.

Đối với lĩnh vực như đất đai “sờ đâu cũng có vấn đề”, hôm 1/4 vừa rồi, chúng ta tiến hành tổng kiểm kê đất công trên toàn quốc. Bên cạnh việc giúp các cơ quan quản lý Nhà nước rút ra được những bài học cần thiết, đây còn là một dịp để Nhà nước ta xiết chặt quản lý nhằm lôi ra ánh sáng những quan tham “ăn đất”. Việc xiết chặt quản lý chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ làm lộ mặt quan tham.

Theo Trần Minh
Báo Thanh tra

LTS Dân trí - Xiết chặt quản lý là một trong những biện pháp quan trọng nhằm chống lạm phát đi đôi với duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Có thể coi biện pháp này là “một mũi tên nhằm hai đích” quan trọng vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động, vừa khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, làm lộ mặt các “quan tham”, như tác giả bài viết trên đây phân tích.

Đây cũng cũng là giải pháp hợp lòng dân, đúng với nguyện vọng người dân. Chỉ có “quan tham” là lo lắng và tìm cách đối phó bằng những thủ đoạn tinh vi hơn. Nhưng dù có tinh vi đến đâu cũng không thoát khỏi con mắt của quần chúng nhân dân.

Biết lắng nghe ý kiến nhân dân và dựa vào đông đảo quần chúng trong quá trình xiết chặt quản lý thì hiệu quả sẽ cao hơn và triệt để hơn.