Hà Nội:

Xích mích nhỏ, côn đồ chém nhiều người nhập viện

(Dân trí) - Ngày 23/9/2012, tại cửa hàng photocopy số 13 ngõ 167 phố Tây Sơn đã xảy ra vụ ẩu đả khiến 2 trong số 5 nhân viên của cửa hàng này nhập viện, trong đó có một nạn nhân đang ở tình trạng hết sức nguy kịch.

Ngày 23/9/2012, ngay khi tòa soạn Báo Dân trí nhận được thông tin phản ánh về vụ việc ẩu đả xảy ra tại số 13, ngõ 167, phố Tây Sơn, PV Dân trí đã nhanh chóng có mặt tại nơi xảy ra vụ việc. Qua xác minh từ phía gia đình bị hại và những người chứng kiến được biết:

Vào khoảng 16 giờ chiều ngày 23/9/2012, do phía đối diện cửa hàng photocopy nhà mình có xảy ra sự việc cãi vã giữa một đôi vợ chồng là nhân viên làm thuê cho cửa hàng này, Bùi Khắc Anh (sinh năm 1992) có nhìn sang thì ngay lập tức bị người nam nhân viên cửa hàng photocopy đối diện vô cớ chửi bới.

Bức xúc vì bị chửi, Bùi Khắc Anh có vài lời qua tiếng lại với nam nhân viên kia. Tưởng chừng sự việc chỉ có thế, nhưng đến khoảng 17 giờ, một toán thanh niên (trong đó có cả nam nhân viên khi trước chửi Bùi Khắc Anh) tay cầm hung khí với thái độ rất hung hãn lao thẳng vào cửa hàng nơi Bùi Khắc Anh và một số nhân viên khác đang làm việc chém túi bụi. Do không có sự đề phòng và bị chém bất ngờ, Bùi Khắc Anh và Trần Việt Quang (sinh năm 1991) đã bị các đối tượng này chém trọng thương, và phải nhập viện.
 
Trần Việt Quang tại khoa xương bệnh viện Xanh Pôn (Ảnh: Vũ VănTiến)
Trần Việt Quang tại khoa xương bệnh viện Xanh Pôn (Ảnh: Vũ VănTiến)

Trong đó, Bùi Việt Anh vẫn đang trong tình trạng hết sức nguy kịch. Theo chuẩn đoán của bác sĩ thì Bùi Khắc Anh bị chém rách ổ bụng, đứt 1 xương sườn, thủng phổi, và một phần vào gan; Trần Việt Quang bị chém trọng thương ở vai và cả hai đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn. Ba nhân viên còn lại gồm Trần Đức Việt (sinh năm 1984), Nguyễn Tùng Linh (sinh năm 1990), Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1991) đã may mắn tránh được những nhát chém dã man của các đối tượng trên.

Chưa hết bàng hoàng bởi sự việc vừa xảy ra, chúng tôi được Việt cho biết: “Đến giờ em cũng không hiểu vì nguyên cớ gì mà các đối tượng này lại có hành vi chém dã man đến vậy, sự việc xảy ra hết sức bất ngờ nhưng hình như các đối tượng này đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, trong 06 đối tượng có mặt tại hiện trường thì chỉ có 4 đối tượng trực tiếp cầm dao chém, hai đối tượng còn lại trong đó có một đối tượng là chủ cửa hàng, một đối tượng to béo, xăm trổ đầy mình quan sát cảnh giới và cản trở để các đối tượng trực tiếp chém tẩu thoát sau khi đã chém xong”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cán bộ Công an phường sở tại đã có mặt tại hiện trường và lấy lời khai ban đầu của một số người liên quan.

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Trung (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP. Hà Nội), được biết: “Qua những thông tin ban đầu về vụ việc thì có thể nhận thấy các đối tượng thực hiện hành vi một cách hết sức manh động và thể hiện một sự hung hãn cao độ. Tôi có nhận định rằng khi thực hiện hành vi phạm tội kể trên có thể các đối tượng đã có sự bàn bạc, phân công phân nhiệm vai trò của từng người hết sức rõ ràng. Hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của “Tội Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 vì vậy cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc khởi tố, điều tra để làm rõ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng của người khác và không để lọt tội phạm”.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc