Xe máy và ý thức công dân
(Dân trí) - Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến phản đối việc hạn chế xe gắn máy. Dân mình vẫn có thói quen khi có ý kiến thay đổi những gì đã gắn bó với cuộc sống thường ngày, thì có phản ứng không đồng tình.
TPHCM vừa tổ chức hội thảo "Đẩy nhanh phát triển vận tải công cộng và giảm dần xe cá nhân". Hội thảo đặt ra các vấn đề về tăng các loại phí xe cá nhân để làm nản lòng người sử dụng xe gắn máy, tiến đến hạn chế xe gắn máy và thay vào đó bằng phương tiện vận tải công cộng.
Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến phản đối việc hạn chế xe gắn máy. Dân mình vẫn có thói quen khi có ý kiến thay đổi những gì đã gắn bó với cuộc sống thường ngày, thì có phản ứng không đồng tình.
Ví dụ như việc phản đối quy định đội mũ bảo hiểm, nay hiệu quả mà quy định này mang lại buộc người dân phải thay đổi nhận thức.Chiếc xe gắn máy cũng vậy, người dân chưa thông với việc loại nó ra khỏi đời sống. Nhưng không thông là phải bởi vì không đi xe gắn máy thì đi bằng phương tiện gì? Dân đang nghèo khổ, nếu tăng các loại phí sử dụng xe gắn máy nữa thì khổ cho dân quá.
Nhiều ý kiến tranh cãi cần phải xây dựng hệ thống phương tiện vận tải công cộng trước, sau đó mới hạn chế xe gắn máy sau. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, cứ hạn chế tối đa việc sử dụng xe gắn máy, rồi xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng. Người dân đòi hỏi chính quyền phải tổ chức được các loại xe bus, metro, tàu điện nghiêm chỉnh, đáp ứng được nhu cầu đi lại thì dân tự khắc bỏ xe gắn máy. Nhà nước lại cho rằng nếu như người dân cứ sử dụng xe gắn máy như hiện nay thì phương tiện giao thông công cộng khó phát triển. Bài toán con gà có trước hay quả trứng có trước lại làm đau đầu các nhà quản lý.
Vậy thì có một giải pháp trung hòa, đó là vừa tăng cường hệ thống giao thông công cộng, vừa thực hiện các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó việc thu phí xe vẫn tiến hành. Với giải pháp này, người dân cùng chia sẻ với chính quyền để thúc đẩy việc triển khai hệ thống giao thông công cộng. Nếu như không có sự chia sẻ đó, thì mục tiêu xây dựng một đô thị có hệ thống giao thông văn minh và an toàn là việc rất khó khăn.
Người dân đang phải chịu đựng kẹt xe hằng ngày, và các chuyên gia cảnh báo TPHCM sẽ bị xe gắn máy "siết cổ", đến lúc đó thì thành phố sẽ bị tê liệt hoàn toàn. Cái ngày bị xiết cổ đó đến không xa, khoảng từ năm 2012 đến 2015 mà thôi. Vậy thì việc chia sẻ với chính quyền về hạn chế xe cá nhân chính là chuẩn bị giải cứu cho chính mình thoát khỏi đại nạn kẹt xe trong nay mai. Mỗi cá nhân chúng ta đều mong muốn sống trong một đất nước đi lại thuận tiện và an toàn, nhưng điều đó chỉ có được khi tất cả mọi người đều có ý thức công dân trong việc chấp hành các quy định vì mục đích chung.
Lê Chân Nhân