Xây dựng văn hóa đọc thông qua thói quen tặng sách
(Dân trí) - Muốn văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ và thành nét đẹp, thành thói quen tốt thì trước hết phải tạo thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ em, phù hợp với lứa tuổi.
Cách đây ít ngày, tôi đưa con trai đi mua quà để cháu tặng bạn cùng lớp nhân dịp sinh nhật. Do không quen với việc mua quà sinh nhật cho trẻ con nên tôi loay hoay mãi mà không biết mua món gì cho phù hợp.
Mặc dù được cô nhân viên bán hàng tư vấn, giới thiệu khá nhiều loại hàng hóa có thể làm quà sinh nhật cho trẻ em như súng nhựa bắn liên thanh, đao, kiếm điện, xe điện, xe địa hình khủng điều khiển từ xa... nhưng tôi thấy chưa ổn lắm.
Lý do là tôi không thích các đồ chơi mang tính bạo lực hoặc cảm giác mạnh không hợp lứa tuổi trẻ em và thường cấm không cho con trai tôi chơi những đồ chơi đó. Mặt khác, các loại đồ chơi đó tương đối đắt tiền, tốn kém nhưng chỉ chơi được vài lần là hư hỏng, lãng phí không cần thiết.
Sau hồi lâu tôi mới chọn được cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi của bạn con tôi nên quyết định mua. Tuy nhiên, điều đáng nói là con tôi lại tỏ vẻ không vui vì món quà này, cháu bảo trong lớp cháu rất ít bạn muốn tặng sách mà muốn được tặng đồ chơi khác như các loại mà cô nhân viên tư vấn ban đầu và khăng khăng đòi đổi món quà khác thay vì sách!
Qua sự việc này, có thể thấy rằng thói quen tặng sách hay, sách quý cho nhau chưa thành thói quen, phong trào và chưa là nét văn hóa đẹp. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và với phương châm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" thì việc xây dựng văn hóa tri thức, văn hóa đọc là rất quan trọng.
Muốn văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ và thành nét đẹp, thành thói quen tốt thì trước hết phải tạo thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ em, phù hợp với lứa tuổi. Vì thế nếu các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm định hướng, chỉ dạy cho học sinh thói quen đọc sách ngay từ khi các cháu còn nhỏ, nhất là ở bậc tiểu học thì rất tốt, sẽ phát huy hiệu quả lâu dài.
Và muốn tạo thói quen cho các cháu thì phải xây dựng văn hóa tặng sách, trao đổi sách... Việc tặng sách cho nhau nên xây dựng thành văn hóa, đó là tặng sách cho nhau trong các dịp lễ, tết, nhất là dịp sinh nhật của trẻ hoặc người thân.
Việc tặng sách như vậy sẽ giúp phát triển văn hóa đọc, tạo ra phong trào đọc sách lành mạnh, lan tỏa sâu rộng và liên tục. Điều này cũng sẽ góp phần hạn chế, chấn chỉnh tình trạng một bộ phận người trẻ bị lệch lạc về văn hóa, nhất là thích các trò chơi bạo lực, phản cảm không phù hợp với văn hóa Việt Nam dẫn đến những hệ lụy xấu cho xã hội.
Về lâu dài, văn hóa đọc sách sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là không chỉ nhằm hình thành thế hệ con người Việt Nam có tri thức, có văn hóa mà còn góp phần quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực, khát vọng phát triển đất nước.
Ths Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum