Xây dựng quỹ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tại sao không?

Từ khi có nghị quyết công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, sức khỏe nhân dân nói chung, vùng miền núi dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên rõ nét.

Trong đợt kiểm tra việc thực hiện nghị quyết 46 - NQ/TW của Bộ Chính trị "Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" tại huyện Con Cuông Nghệ An.

Chúng tôi thấy rằng: Từ khi có nghị quyết công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Sức khỏe nhân dân nói chung, vùng miền núi dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên rõ nét. Các loại dịch bệnh như: sốt rét, dịch tả, lỵ... trước đây hoành hành, cướp di sinh mạng của hàng chục người mỗi năm.

Xây dựng quỹ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tại sao không? - 1

Tổ chức truyền thông phòng chống sốt rét tại Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An)

Từ khi có nghị quyết đến nay dịch bệnh được ngăn chặn và đẩy lùi. Hoạt động của sự nghiệp y tế nói chung, miền núi nói riêng được quan tâm, mạng lưới y tế từ xã đến tận các thôn bản được phủ kín. Tuy nhiên hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở nói riêng, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vất chất, con người, y dụng cụ và cả kinh phí.

Theo thống kê tại 13 xã của huyện Con Cuông (Nghệ An), chúng tôi thấy rằng chưa có trạm xã nào đảm bảo theo yêu cầu chuẩn về cơ sở vật chất, thiếu y cụ và phương tiện làm việc, thiếu đội ngũ cán bộ, nhất là y, bác sỹ. Cũng theo thống kê về đội ngũ y tá thôn bản, tại huyện Con Cuông có 124 thôn bản và chỉ có 96 thôn bản có y tá thôn bản.

Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ y tá thôn, bản cũng gặp nhiều khó khăn, không ít người làm với mục đích để nghề không bị mai một hoặc chờ xin vào biên chế. Bởi theo quy định phụ cấp họ đang hưởng như sau: Y tá bản phục vụ các bản vùng sâu biên giới được hưởng phụ cấp 120.000 đồng/người/tháng; vùng trung du bán sơn địa được hưởng 80.000 đồng/người/tháng; vùng trung tâm, thị trấn được hưởng 60.000 đồng/người/tháng (tương đương 4 bát phở bình dân).

Ngoài số phụ cấp ít ỏi đó họ không có bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế, không có hệ số phụ cấp khu vực... Kể cả quy định mới của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ ngày 1/7/2009, y tá thôn bản được hưởng phụ cấp hệ số 0,5 lương cơ bản tương đương 325.000 đồng (đối với vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số) và hệ số 0,3 (tương đương 195.000 đồng, với vùng nông thôn trung du, bán sơn địa).

Họ cũng chưa được hưởng bởi chưa có quy định, hướng dẫn của Bộ và các địa phương. Còn vùng trung tâm, thị trấn, phường xã không được hưởng chế độ phụ cấp trên. Trong khi công tác chăm sóc sức khỏe nói chung, khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở đòi hỏi nhiều cả về thời gian và công sức.

Các địa phương nếu muốn hỗ trợ thêm cho y tá bản, sẽ gặp khó khăn vì không có quy định và sẽ bị kho bạc nhà nước xuất toán. Trong khi các ngành như giáo dục, văn hóa, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể có chủ trương xây dựng các loại quỹ như: Quỹ khuyến học vận động mỗi hộ góp 5000 - 10.000 đồng/năm, cán bộ công nhân viên chức góp mỗi người 1 ngày lương; Quỹ ủng hộ người cao tuổi 1 triệu chiếc áo ấm, mỗi người ủng hộ 1 ngày lương; Quỹ vì người nghèo, ủng hộ 1- 2 ngày lương...

Trong khi hoạt động của các tỏ chức này, các ngành này kinh phí Nhà nước đã cấp tương đối lớn. Còn hoạt động của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung còn khiêm tốn, nhiều hoạt động còn theo kiểu "vác tù và hàng tổng". Trong quá trình kiểm tra thực hiện nghị quyết nhiều trạm trưởng y tế xã và cán bộ nhân viên y tế cơ sở phàn nàn về chính sách chế độ. Đã có nhiều người bỏ việc, xin chuyển ra ngoài làm.

Các hoạt động tuyên truyền, truyền thông lồng ghép, mở các chiến dịch tiêm chủng, phun thuốc, tẩm màn diệt muỗi... kể cả kinh phí, thời gian và phương tiện và thuê người phục vụ, phát tờ rơi, khẩu hiệu... đều gần như không có kinh phí hỗ trợ. Cấp uỷ và chính quyền muốn vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ thêm cho y tá thôn bản, nhưng sợ sai luật.

Để sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, vì sự phát triển của sự nghiệp y tế nước nhà ngày càng phát triển, để nghị quyết 46 - NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống! Thiết nghĩ ngành y tế cần tham mưu cho Đảng và Chính phủ thành lập "quỹ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân". Theo hình thức xã hội hóa, vừa tự nguyện của các nhà hảo tâm, vừa vận động kêu gọi sự đóng góp của nhân dân. Sức khỏe của con người là vốn quý.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị đặt lên hàng đầu cho cả hệ thống chính trị. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế toàn cầu, đòi hỏi cao cả về sức lực và trí lực. Trong đó sức khỏe xã hội, sức khỏe nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi, bởi theo Ăng Ghen thì "người chứ không phải súng quyết định thắng lợi trên chiến trường".

Phùng Văn Mùi