Xấu mặt thủ đô

Ai về Hà Nội, ai ở thủ đô, có đi vào làng lụa Vạn Phúc trên đường Nguyễn Trãi bắt đầu từ Ngã Tư Sở những ngày này sẽ thấy hoa mắt chóng mặt vì cả một dãy dài những tấm biển quảng cáo hai mặt đề “khám nam khoa”, “khám phụ khoa”.

Xấu mặt thủ đô

Đây là quảng cáo cho một cơ sở y tế khám bệnh cho hai giới đặt ở phường Khương Trung. Những tấm biển to màu đỏ màu xanh hình nam, hình nữ đặt trên cột chống trồng giữa dải phân cách hai làn đường cứ thế chạy dài như một đội quân án ngữ cửa ngõ lên xứ Đoài. Có khoảng hơn 40 tấm như vậy. Nhìn chúng đúng là hoa mắt. Còn chóng mặt là vì không thể ngờ rằng, không thể nghĩ rằng ngay giữa thủ đô người ta lại cho phép dựng những biển quảng cáo như vậy.
 
Đâu phải ai có tiền và trả nhiều tiền thì tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn đặt quảng cáo gì cũng được và ở đâu cũng được. Quảng cáo đúng là để báo cho người tiêu dùng biết có hàng hóa ấy, dịch vụ ấy, ai cần thì tìm đến. Quảng cáo đúng là phải để ở những chỗ có khoảng không, có tầm nhìn, dễ lọt vào mắt người qua kẻ lại. Nhưng trong không gian đô thị, nhất lại là đô thị thủ đô, cho phép đặt một biển quảng cáo ở đâu, kích cỡ nào, để không phá vỡ cảnh quan chung, không gây phản cảm, không làm xấu, làm hại thị hiếu thẩm mỹ của đủ mọi tầng lớp khách đi đường, đó là cả một bài toán văn hóa - xã hội cho thấy một tầm nhìn của người quản lý.
 
Việc để cho một dãy dài những tấm biển quảng cáo “khám nam khoa”, “khám phụ khoa” chạy suốt gần hai cây số trên một con đường chính mang tên người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi quả thực rất gây khó chịu và bức xúc.
Trong khi đó một việc bổ ích, thiết thực và cần kíp là chú giải các tên đường phố mang tên danh nhân, anh hùng thì nói bao lâu nay mới bắt đầu được cho làm, mà chỉ mới làm nhỏ giọt, cầm chừng. Người ta thử hỏi nếu như cũng ở vị trí đó, thay cho những tấm biển quảng cáo phản cảm là những tấm biển ghi sự tích lịch sử, văn hóa thì sao.
 
Khám nam khoa, phụ khoa thì chường ra chình ình trước mắt, nói một cách công nhiên lộ liễu, còn những kiến thức văn hóa, lịch sử, những hình ảnh, con người cần được nhắc nhớ, giới thiệu thì lại bị bỏ rơi, bỏ quên, bỏ khuất.
 
Khi chính quyền quận Thanh Xuân cho dựng lên san sát những cột biển quảng cáo như vậy họ có nghĩ đến hậu quả cho tầng lớp thanh niên ngày ngày đi lại trên đoạn đường đó, đọc và nhìn những tấm biển đó, sẽ hằn trong tâm trí như một phản xạ không điều kiện chỉ là “nam khoa” và “phụ khoa”. Bởi vì tôi rất đồng ý với họa sĩ Ba Tỉnh, người đầu tiên nêu vụ việc này ra, rằng nhìn vào đó có cảm giác Hà Nội đã biến thành một bệnh viện khám nam khoa, phụ khoa khổng lồ.

Cho hay, xây dựng một thành phố, một đô thị, mà nói rộng ra là xây dựng một không gian sống cho cộng đồng, rất cần đến những nhà quản lý, quy hoạch vừa có trí tuệ, vừa có tâm hồn, vừa biết tính toán vật chất, vừa biết nuôi dưỡng tinh thần, vừa dám xây, vừa dám dỡ. Còn như với những tấm biển quảng cáo nói đây, biện pháp đơn giản nhất là bỏ đi, đưa chúng vào một chỗ khác thích hợp.

Theo Phạm Xuân Nguyên

Pháp luật TP.HCM