Xã “vượt mặt” bán đất, gần 50 hộ dân bị “bỏ rơi”

(Dân trí) - Đã nhiều năm qua, hàng chục hộ dân khu 9, thị trấn Thọ Xuân sống trên chính mảnh đất do mình gom góp tiền mua, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ bị thu trắng do đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng…

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở khu phố 9, thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân (trước đây là xã Tây Hồ, mới được quy hoạch mở rộng thị trấn - PV), đã hơn chục năm qua, họ bỏ tiền ra mua đất của xã nhưng đến nay vẫn nơm nớp nỗi lo khi quyền lợi của người dân trên chính mảnh đất của mình chưa được giải quyết.

Có những hộ gia đình phải gom góp trong nhiều năm mới trả đủ tiền mua đất
Có những hộ gia đình phải gom góp trong nhiều năm mới trả đủ tiền mua đất

Đặc biệt, thời gian gần đây khi người dân nghe tin, khu vực mà họ đang sinh sống được quy hoạch trồng cây xanh của thị trấn nên nỗi lo lắng càng tăng lên. Trong khi đó, hầu hết những hộ dân mua đất của xã Tây Hồ từ những năm 2000 - 2001 đến nay vẫn chưa được ngành chức năng huyện Thọ Xuân cấp sổ đỏ.

Ông Lê Huy Thủy, khu 9, thị trấn Thọ Xuân bức xúc: “Gia đình tôi mua đất ra đây từ năm 1999 với giá 3,2 triệu đồng/suất. Từ đó đến nay, xã mới chỉ đưa biên bản bàn giao đất và phiếu thu tiền. Bà con đã nhiều lần đề nghị làm trích lục nhưng chưa được. Trước khi chưa nhập về thị trấn, chúng tôi cũng đã lên đề nghị làm trích lục nhưng xã Tây Hồ trả lời bà con cứ yên tâm, xã đang đấu mối làm. Nghe nói ở đây được quy hoạch trồng cây xanh nên bà con có nguy cơ mất trắng”.

Đổi lại niềm tin của người dân chỉ là biên bản bàn giao đất
Đổi lại niềm tin của người dân chỉ là biên bản bàn giao đất

“Khi bà con lên thị trấn hỏi thì trên đó trả lời, Tây Hồ bán thì Tây Hồ làm, lên huyện hỏi thì huyện bảo về xã xin văn bản trả lời, khi về xã xin thì xã nói chúng tôi đang đấu mối làm. Chúng tôi mua đất 17 năm nay rồi, còn quy hoạch cây xanh thì mới vài năm trở lại đây thôi”, chị Phạm Thị Nhân bức xúc.

Được biết, thời điểm người dân mua đất, khu vực này chỉ là một bãi đất hoang, từ khi tuyến đê được quy hoạch ra vị trí khác, người dân đã cải tạo để trông cây cối rồi sau đó xây dựng nhà cửa ra ở. Nhiều hộ dân khó khăn nên phải gom góp nhiều năm mới đủ tiền trả cho xã.

Người dân ở đây lo lắng nếu bị giải tỏa, bà con sẽ không biết phải đi đâu sống. Trong khi đó, theo phản ánh của người dân, một số hộ cũng nằm trong khu vực này đã được làm trích lục đất.

Người dân bức xúc vì bao nhiêu năm đề nghị vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Người dân bức xúc vì bao nhiêu năm đề nghị vẫn chưa được cấp sổ đỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thời điểm đó, xã Tây Hồ không được phép bán đất khi chưa có quy hoạch, chưa có ý kiến chỉ đạo, phê duyệt của cấp trên nhưng lãnh đạo xã vẫn “vượt mặt” huyện cắt đất bán cho dân. Mặc dù biết sai, nhưng bao nhiêu năm qua, chính quyền địa phương vẫn làm lơ để gần 50 hộ dân sống trong nỗi lo lắng có thể mất đất và thiệt thòi về quyền lợi của mình.

Đến năm 2008, thực hiện quy hoạch mở rộng địa giới hành chính thị trấn Thọ Xuân, nhiều hộ dân thuộc xã Tây Hồ được nhập về thị trấn Thọ Xuân và đặt tên là khu phố 9. Tuy nhiên, người dân bắt đầu gặp rắc rối về đất đai khi việc cấp sổ đỏ vẫn còn là lời hứa suông. Hiện tại, người dân chỉ có một giấy bàn giao đất ở và biên lai thu tiền đất.

Nỗi lo lắng của người dân khi chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm
Nỗi lo lắng của người dân khi chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Tây Hồ thừa nhận: “Năm 2000 - 2001, địa phương có giải quyết một số đất ở bờ đê không có tác dụng chống lũ nữa. Bà con chăn nuôi, trồng trọt và làm chòi ra ở. Bà con nóng ruột, xã và huyện đã có hướng tập trung giải quyết rồi”.

Nói về lý do chậm cấp sổ đỏ cho dân, ông Thi lý giải: “Trước đây đó là của Tây Hồ, sau chuyển về thị trấn, có thời điểm giao thời”. Còn về phản ánh của người dân liên quan đến một số hộ nằm trong khu vực đã được làm sổ đỏ, ông Thi cho biết: “Có một vài hộ thuộc khu dân cư, các hộ này ra ở lâu rồi. Nhà cửa của dân làm rồi, nên nói mất cả là không có”.

Trước bức xúc của người dân, ông Thi khẳng định: “Đang phấn đấu trong năm nay sẽ cấp sổ đỏ, huyện chỉ đạo không để cho quyền lợi dân bị ảnh hưởng, xã cũng đã làm việc với các phòng chuyên môn. Các thủ tục của bà con đảm bảo thôi”.

Ở trên chính mảnh đất mình bỏ tiền ra mua nhưng người dân vẫn lo lắng
Ở trên chính mảnh đất mình bỏ tiền ra mua nhưng người dân vẫn lo lắng

Ông Lê Năng Dũng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân cho biết: “Đất xã bán trái thẩm quyền, không phù hợp với quy hoạch nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất khó khăn. Lâu nay anh em không nắm được, người dân mới có ý kiến thôi. Người dân bỏ tiền mua thật, huyện đang bàn bạc để tìm cách tháo gỡ, đáp ứng quyền lợi của người dân, sai thì sai rồi. Có hai phương án một là điều chỉnh lại quy hoạch, hai là làm khu tái định cư”.

Một sự việc “đồng trời” xảy ra trên địa bàn hàng chục năm nay, tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng vẫn không hay biết? đến khi người dân có ý kiến thì sự việc đã đi quá xa. Để giải quyết hậu quả việc “làm bừa” của UBND xã Tây Hồ thì nói như ông Phó phòng Tài nguyên và Môi trường là điều chỉnh quy hoạch hoặc bố trí khu tái định cư khác. Như vậy, Nhà nước lại phải mất thêm một khoản tiền đầu tư. Trong khi đó, số tiền mua đất của người dân chưa biết được đầu tư vào mục đích gì và sử dụng như thế nào?

Duy Tuyên