Vươn lên từ “bùn lầy” càng đáng quý
Đọc các bài viết về ông Kỳ gần đây, tôi chợt nhớ đoạn văn tả về cái không khí trong cái "Làng Vũ Đại", nơi mà Chí Phèo kết liễu đời mình trên vũng máu trong tiếng nấc khắc khoải: “Tôi muốn trở thành người lương thiện"...
Cái xã hội thời ấy không có chỗ cho con người đã từng gây ra nhiều lỗi lầm như Chí, tôi nhớ lại những lời văn mà cô giáo dạy tôi để phê bình cái xã hội đen tối ấy. Và tôi rất hãnh diện khi mà mình được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đầy lòng vị tha theo những gì Bác Hồ đã dạy.
Chuyện ông Kỳ gợi ý nhận hối lộ là sự thật, tôi không phủ nhận điều này, nhưng con người ấy đã biết nhận ra lỗi lầm của mình và cũng đã có 1 bài học đáng nhớ trong cuộc cuộc đời của ông. Con người ai mà không có lúc gây ra lỗi lầm nhưng họ đã kịp thời nhận ra lỗi lầm và sửa chữa để vươn lên thì con người đó càng đáng quý.
Cùng làm trong ngành du lịch, tôi hiểu và thấy được những gì mà ông Kỳ đóng góp cho ngành du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và xa hơn là cả nước. Việc Công ty Vietravel tham gia điều phối xe cho toàn bộ Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 dưới sự chỉ đạo của ông Kỳ góp vào sự thành công chung cho Hội nghị điều đó cũng đủ chứng minh được năng lực và sự toàn tâm của ông đối với đất nước và được bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Một quá trình phấn đấu của ông Kỳ không phải bất cứ ai cũng có thể làm được. Hãy là xuất phát điểm giống Vietravel đi. Ban đầu với số vốn ít ỏi (hơn 2 triệu đồng) của Nhà nước cấp, 1 máy fax và 7 nhân viên, không đất đai, không nhà cửa thử hỏi mấy ai có thể xây dựng nên một cơ ngơi như Vietravel hiện nay. Tạo nên 1 thương hiệu uy tín trong và ngoài nước, tạo uy tín đối với đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ. Tạo công ăn việc là cho hơn 600 nhân viên và hãy thử làm một bài toán về đời sống nhân viên của công ty Vietravel với các công ty khác! Tôi được biết năm 2007, công ty đã tổ chức chương trình học tập kết hợp với nghỉ mát teambuilding cho toàn bộ cán bộ công nhân viên tại nước ngoài. Tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ công ty này. Ước gì công ty của chúng tôi cũng được như vậy!
Việc bổ nhiệm ông Kỳ, tôi nghĩ hoàn toàn có thể, hãy cho người ta cơ hội chứng tỏ mình. Một người am hiểu về du lịch, có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, một người quyết đoán và có đầu óc chiến lược như ông tôi nghĩ hoàn toàn thích hợp với cương vị Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Thiếu gì người tài đức không có tì vết?
Cần nhìn nhận, đánh giá phẩm chất của ông Nguyễn Quốc Kỳ một cách biện chứng: có tiến bộ. Tuy nhiên chưa đến mưc có thể coi là một người tài trong kinh doanh. Thêm nữa, chức vụ Tổng cục trưởng có tầm ảnh hưởng không chỉ trong ngành, trong nước mà cả với cộng đồng quốc tế. Vì vậy, không nên bổ nhiệm ông Kỳ vào cương vị này. Tôi tin chắc Việt Nam có nhiều người khác có TÀI ĐỨC (lại chưa có tì vết gì) đảm nhiệm chức vụ mà ông Kỳ đang làm.
Không nên phiến diện
Thực sự quá giới hạn và phiến diện khi chỉ lấy chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận họ đạt được trên doanh thu để làm cơ sở phân tích và đánh giá là họ làm ăn không hiệu quả. Chỉ tiêu này chỉ cho bạn biết hiệu quả kinh doanh của họ trong năm đó. Tuy nhiên, bạn còn cần phải phân tích về chiếc lược kinh doanh của họ là gì và xem xét một số chỉ tiêu khác thì mới đánh giá được chính xác như chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chẳng hạn.
LTS Dân trí: Dù đã có một truyền thống khoan hồng, bao dung từ ngàn đời nay vẫn chảy trong lòng dân tộc: đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại. Dù đã có những quy định rất cụ thể trong văn bản luật pháp, đường lối chính sách lẫn trong các tài liệu hướng dẫn cụ thể... Thế nhưng xem ra cái gọi là “chủ nghĩa lý lịch” vẫn còn ám ảnh khá nặng nề trong mọi mặt của đời sống xã hội. Mới biết, dù đúng lý, đúng tình nhưng không phải lúc nào con đường đến với chân lý cũng suôn sẻ. Chúng tôi xin tiếp tục trích đăng một số ý kiến về trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ gửi đến TS trong 2 ngày qua.