Bình Định:

Vùng nuôi tôm “an toàn sinh học” gây ô nhiễm: Nghiêm túc rút kinh nghiệm!

(Dân trí) - Ngày 30/3, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết đã ký văn bản chỉ đạo 2 xã Hoài Hải và Hoài Mỹ tăng cường công tác quản lý nuôi tôm ở địa phương vì gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo đó, huyện Hoài Nhơn yêu cầu UBND xã Hoài Mỹ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng các hộ dân nuôi tôm tại vùng dự án nuôi tôm an toàn sinh học (CRSD) tự ý tháo dỡ các ván phai để xả thải trực tiếp nước thải từ hoạt động nuôi tôm ra môi trường, không qua công trình xử lý nước thải theo đúng quy định.

Việc nuôi tôm ồ ạt, không tuân thủ theo quy trình xả thải ở 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn) đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Việc nuôi tôm ồ ạt, không tuân thủ theo quy trình xả thải ở 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn) đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý công trình thu gom, xử lý nước thải của vùng nuôi tôm thuộc dự án CRSD để có biện pháp khắc phục kịp thời nếu có sự cố xảy ra; tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm trong vùng dự án thực hiện việc xử lý nước thải theo đúng quy trình của vùng nuôi; tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm, kịp thời đối với các trường hợp tự ý tháo dỡ các ván phai lắp đặt trên mương thu gom nước thải của công trình xử lý nước thải về các ao xử lý.

UBND huyện Hoài Nhơn cũng yêu cầu 2 xã Hoài Mỹ và Hoài Hải khẩn trương kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh sách và đề xuất biện pháp xử lý đối với các hộ nuôi tôm tại vùng đầm tại phía Nam thôn Công Lương (xã Hoài Mỹ) và thôn Kim Giao Thiện (xã Hoài Hải).

Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại vùng dự án CRSD; hướng dẫn các hộ nuôi tôm về lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm theo quy định.

Trước đó, Dân trí đã thông tin, tại vùng nuôi tôm xã Hoài Mỹ có 2 vùng nuôi tôm, gồm vùng nuôi ở khu vực Bắc Lý, thôn Công Lương có diện tích khoảng 19 ha nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững và vùng nuôi tôm tự do có diện tích 18 ha nằm dọc đầm Nam Lý, thôn Công Lương.

Đặc biệt, tại khu vực tôm nuôi được quy hoạch nằm trong vùng nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học ở Bắc Lý dù được nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ao xử lý nước thải. Tuy nhiên, thay vì người nuôi thực hiện việc xử lý nước thải theo quy trình đã được hướng dẫn thì người dân lại phớt lờ quy định mà xả thẳng nước, chất thải chưa qua xử lý ra ngoài kênh mương, ao hồ khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm kéo dài.

Doãn Công