Vụ xua chó cắn người: "Hung khí nguy hiểm" Pitbull có bị tịch thu?
(Dân trí) - 2 con chó gây ra thương tích cho nạn nhân trong vụ xua chó cắn người được coi là "hung khí nguy hiểm". Theo luật sư, 2 con chó này là vật chứng của vụ án và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ người đàn ông ở Đà Nẵng xua chó pitbull cắn hàng xóm, công an quận Sơn Trà vừa ra quyết định khởi tố cả người xua chó lẫn bị hại về cùng tội danh "Cố ý gây thương tích".
Theo dõi vụ việc, nhiều độc giả băn khoăn: Trường hợp này, con chó Pitbull và begie hung dữ, không rọ mõm được xác định chính là "hung khí nguy hiểm" mà bị can đã dùng để sát thương người hàng xóm. Vậy hung khí nguy hiểm này có bị thu giữ và tiêu hủy không?
Trao đổi với Phóng viên Dân trí, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật Chính pháp chia sẻ, việc sử dụng chó dữ làm công cụ gây án, gây thương tích cho người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi vậy việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp này là có căn cứ.
"Đối với 2 con chó gây ra thương tích cho nạn nhân, sẽ được xác định là vật chứng của vụ án nên cơ quan công an sẽ thu giữ và có thể tiêu hủy theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự" - ông Cường nói.
Chó là hung khí nguy hiểm hay thủ đoạn nguy hiểm?
Theo luật sư Cường, chó là vật nuôi đã được thuần dưỡng có thể làm cảnh, giữ nhà hoặc là thú cưng. Tuy nhiên với bản tính hoang dã thì loại vật nuôi này hoàn toàn có thể gây thương tích cho con người bất kỳ lúc nào, kể cả người đó là chủ vật nuôi.
Bởi vậy, dưới góc độ pháp lý thì chó là nguồn nguy hiểm cao độ, người nuôi chó có thể gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh bất kỳ lúc nào. Trường hợp nếu có thiệt hại xảy ra thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ vật nuôi không có lỗi.
Với những loại chó dữ được huấn luyện thì sẽ nghe theo mệnh lệnh của chủ. Nếu người chủ ra lệnh tấn công vào một đối tượng nào đó thì con chó sẽ làm theo và sẵn sàng cắn, xé gây thương tích cho đối phương.
Nếu chủ vật nuôi sử dụng chó làm công cụ, phương tiện để gây ra thương tích cho người khác, mong muốn cho cắn người khác thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên toàn bộ thương tích do chó gây ra thì người quản lý con chó này phải chịu trách nhiệm.
Việc cơ quan điều tra khởi tố cả hai bên về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ bởi cả hai bên đều mong muốn gây thương tích cho nhau. Hành vi là đánh nhau chứ không phải là tự vệ hay phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật. Bởi vậy, hành vi gây ra thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi gây ra thương tích cho người khác bằng bất kỳ phương thức nào thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tình tiết tăng nặng trong vụ việc này bao gồm "hung khí" nguy hiểm hoặc "thủ đoạn" gây nguy hại cho hai người trở lên.
Theo quy định của pháp luật thì hung khí nguy hiểm thường là những vật vô tri vô giác có trong đời sống xã hội nhưng có khả năng gây ra sát thương cho con người. Còn động vật, súc vật thì không được coi là hung khí nguy hiểm mà việc sử dụng súc vật để gây thương tích cho con người hoặc để sát hại con người thì đó được xác định là "thủ đoạn" nguy hiểm.
Theo từ điển tiếng Việt thì "thủ đoạn" là Cách hành động theo chiều hướng chuyển thiệt hại của người khác thành lợi ích của mình. Hay còn là cách làm khôn khéo, thường là xảo trá, chỉ cốt sao cho đạt được mục đích.
Sẽ tịch thu và có thể tiêu hủy chó dữ
Theo diễn biến vụ việc, ngày 29/5, Ngọc nhậu cùng Tâm tại nhà riêng. Tình cờ biết Ngọc và Thảo từng xảy ra mâu thuẫn, Tâm bố trí cho 2 người này giảng hòa.
Tuy nhiên, sau đó, cả 3 người xảy ra cự cãi. Đặng Văn Ngọc và Trương Anh Tâm cùng đánh Thảo nhiều nhát. Khi Thảo về nhà lấy xẻng quay lại nhà Ngọc để đánh trả thì Tâm giật được. Tâm và Ngọc dùng xẻng đánh Thảo, gây thương tích 14%.
Bực tức, Thảo về nhà lùa 2 con chó, một con pitbull cao khoảng 70cm, nặng khoảng 40kg và một con becgie cao khoảng 60cm nặng khoảng 30kg sang nhà Ngọc, để 2 con chó cắn Ngọc gây thương tích 29%.
Luật sư Cường phân tích: Hành vi dùng xẻng đánh người khác được xác định là sử dụng "hung khí nguy hiểm" để thực hiện hành vi phạm tội, còn sử dụng chó để gây thương tích cho người khác sẽ được xác định là "thủ đoạn nguy hiểm" có thể gây thương tích cho nhiều người.
Việc sử dụng hung khí, thủ đoạn nguy hiểm này sẽ làm tăng tính chất nghiêm trọng của hành vi cố tình gây thương tích và hậu quả đã gây ra bởi vậy, việc cơ quan điều tra áp dụng tình tiết tăng nặng đối với cả hai bên là có căn cứ.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan, xác định hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Đối với hai con chó gây ra thương tích cho nạn nhân thì cơ quan điều tra sẽ được xác định là vật chứng của vụ án, sẽ thu giữ và có thể tiêu hủy theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.