Bài 46:

Vụ "xẻ" cả di tích quốc gia cấp sổ đỏ trái luật: Luật nào cho phép rút kinh nghiệm?

(Dân trí) - “Đã tìm ra những người sai phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, không thể kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn với cá nhân cũng phải xử lý, thu hồi. Có xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thì mới có cơ sở cho người dân nghiêm chỉnh chấp hành”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.

Liên quan đến vụ "xẻ" cả đình Đại Mỗ, di tích lịch sử cấp quốc gia để cấp sổ đỏ trái pháp luật cho một hộ dân từ năm 2008, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết đến nay, sau 10 năm, địa phương này vẫn đang tiến hành các thủ tục để "giải cứu" di tích. Trong khi đó, lãnh đạo phường bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Cho rằng “Giao cho nơi xảy ra sai phạm xử lý sai phạm là bao che tinh vi nhất trong các kiểu bao che”, là quan điểm của bạn đọc Đỗ Hồng Việt sau khi theo dõi loạt 44 bài viết của báo Dân trí về Vụ việc "xẻ" cả di tích quốc gia cấp sổ đỏ trái luật.

Cùng đó, nhiều bạn đọc bày tỏ sự bất bình, bức xúc về cách xử lý với những sai phạm đã rõ như ban ngày của lãnh đạo địa phương: bạn đọc Nguyen Hoc Hai “Đã tìm ra những người sai phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, không thể kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Còn với cá nhân cũng phải xử lý, thu hồi. Có xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thì mới có cơ sở cho người dân nghiêm chỉnh chấp hành”.

Bạn đọc Bùi Minh Tâm: “Làm trái luật thì phải khởi tố, luật nào cho phép rút kinh nghiệm??? Nếu không phải bổ sung thêm vào bộ luật mới” - “Có một hình thức kỷ luật mới không có văn bản nào quy định, nhưng lại được áp dụng phổ biến hiện nay, đó là kiểm điểm rồi rút kinh nghiệm” bạn đọc với nickname But.

“Rút kinh nghiệm từ năm 2015 mà đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết xong?! Nơi này cần phải thay toàn bộ cán bộ từ Đảng, chính quyền, đoàn thể... để bộ máy làm việc, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình”, bạn đọc Nguyễn Diệp.

bạn đọc Thanh Hung Nguyen: “Cán bộ quản lý mà làm sai luật, một là không biết luật, hai là cố tình làm sai luật. Vậy thử hỏi như thế thì rút kinh nghiệm để mà làm gì. Không biết đến bao giờ mới bỏ được từ "Rút kinh nghiệm", "Rút kinh nghiệm SÂU SẮC".


Đình Đại Mỗ là di tích lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật được xếp hạng nhưng vẫn bị xâm hại.

Đình Đại Mỗ là di tích lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật được xếp hạng nhưng vẫn bị xâm hại.


Đến nay, việc giải quyết dứt điểm vụ viện xâm phạm di tích Đình Đại Mỗ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Đến nay, việc giải quyết dứt điểm vụ viện xâm phạm di tích Đình Đại Mỗ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhiều bạn đọc có cùng quan điểm: “Không thể chỉ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm được mà phải truy tố những cán bộ liên quan đến vụ này để giữ nghiêm kỷ cương phép nước” - Bùi Huy Đức; “Xác định cấp sổ đỏ sai, xác định người chứng nhận nguồn gốc đất sai. Kỷ luật nghiêm túc và ngay lập tức đi để những người định làm sai chùng bước. Có như thế, dân mới được nhờ, đất nước mới mạnh”, bạn đọc Vũ Phương Lô.

Liên quan đến việc "xén" cả di tích Quốc gia là đình Đại Mỗ để xây nhà tầng, Báo Dân trí đã vào cuộc điều tra và có thông tin, Chánh thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thanh tra và kết luận công trình xây dựng trên là vi phạm Luật Di sản. Sau đó, UBND Huyện Từ Liêm (trước đây) đã ra văn bản huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất mà ông Phú đã xây dựng trên đó.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 7/8/2018, UBND quận Nam Từ Liêm đã có Báo cáo số 371/BC-UBND do ông Trần Đức Hoạt, chủ tịch quận ký gửi Báo Dân trí về kết quả giải quyết đơn thư của ông Nguyễn Quý Tiến, trú tại tổ dân phố An Thái, phường Đại Mỗ. Theo báo cáo này thì đến tận thời điểm hiện tại, việc "giải cứu" di tích quốc gia đình Đại Mỗ vẫn trong tình trạng đang được UBND quận Nam Từ Liêm triển khai.

UBND quận Nam Từ Liêm thừa nhận: "Để xảy ra sự việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Đinh Quang Vinh có trách nhiệm của đồng chí Trần Gia Dũng, cán bộ địa chính xã ghi nội dung xác nhận, trách nhiệm của đồng chí Đỗ Tiến Sơn trong việc ký xác nhận trái quy định của pháp luật về nguồn gốc đất, trách nhiệm của UBND xã Đại Mỗ, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai và nhà huyện Từ Liêm đã thẩm tra kết quả; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhất trí với đề nghị của Văn phòng đăng ký đất và nhà trình UBND huyện cấp giấy chứng nhận dẫn đến UBND huyện Từ Liêm cấp GCNQSD đất trái quy định của pháp luật và phải ra quyết định thu hồi.

Hà Nội: Công trình “xén” đất di tích quốc gia vẫn tiếp tục được cơi nới?

Trách nhiệm không xử lý kịp thời công trình xây dựng trái phép của ông Ngô Như Phú thuộc về UBND xã Đại Mỗ, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, nguyên chủ tịch UBND xã Đại Mỗ, trong đó có trách nhiệm của đồng chí Nguyễn Viết Hùng, Phó chủ tịch UBND xã phụ trách đô thị"

Trong báo cáo này, UBND quận Nam Từ Liêm cũng cho biết thêm kết quả xử lý các sai phạm liên quan đến quản lý đất đai tại phường Đại Mỗ như: xử lý công trình của bà Vũ Thị Thảo (con gái bà Vũ Thị Hiền), xây dựng trên đất mương, xử lý công trình xây dựng trên thửa đất theo bản án số 440/HSPT ngày 30/11/2014 của TAND TP Hà Nội…

Về việc kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan, UBND quận Nam Từ Liêm cho biết: Ngày 19/6/2015, Ban chấp hành Đảng bộ phường Đại Mỗ đã kiểm điểm tập thể Đảng uỷ, tập thể UBND phường nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác văn thư lưu trực còn nhiều thiếu sót và đã đang khắc phục các sai phạm đã nêu tại Kết luận số 03-KL/QU ngày 21/10/2014.

Đồng thời, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 3 cá nhân đã thiếu sót trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các sai phạm nêu trong kết luận gồm: Ông Đỗ Tiến Sơn, nguyên Bí thư Đảng uỷ phường Đại Mỗ, Chủ tịch HĐND phường Đại Mỗ, ông Nguyễn Minh Giảng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Đại Mỗ.

Ngày 18/6/2015, Chi bộ cơ quan phường Đại Mỗ đã tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu về quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với ông Trần Gia Dũng, cán bộ địa chính phường Đại Mỗ.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Ngọc Hân