Vụ xâm hại lăng mộ vua: 2 công dân Trung Quốc đối diện hình phạt nào?
(Dân trí) - Theo luật sư, hai bị can xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Thanh Hóa có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Liên quan đến vụ việc tại lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can đối với hai công dân Trung Quốc là Shen Jiangyang (SN 1982) và Deng Zhiji (SN 1984) về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Luật sư Hoàng Thị Thương, Văn phòng Luật sư Phương Gia (Đoàn Luật sư TPHCM), nhận định, hành vi của 2 công dân Trung Quốc nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự.
"Trong vụ việc này, 2 bị can người Trung Quốc có thể bị xử lý hình sự với hành vi thực hiện đào mộ, xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Mồ mả mà 2 bị can xâm phạm là di vật có giá trị lịch sử - lăng mộ vua Lê Túc Tông. Do đó, căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 319 Bộ luật hình sự, mức án mà 2 bị can phải đối diện có thể từ 2 đến 7 năm tù", luật sư Thương nhận định.

Hai nghi phạm người Trung Quốc bị bắt giữ (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Cũng theo luật sư Thương, Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Hình sự quy định, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp người phạm tội thuộc diện được miễn trừ, trách nhiệm hình sự sẽ được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Nếu điều ước quốc tế không có quy định cụ thể hoặc không tồn tại tập quán quốc tế, vấn đề sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Luật sư Thương cũng nhận định, lăng mộ vua Lê Túc Tông là Di tích Quốc gia đặc biệt nhưng đã bị xâm phạm, cho thấy công tác quản lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo.
Do đó, cơ quan quản lý, đặc biệt là các cá nhân được giao trách nhiệm bảo vệ và giám sát khu lăng mộ, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 345 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông (Ảnh: Hoàng Dương).
Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của vụ việc và tính khách quan của hành vi, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hậu quả đã xảy ra để đưa ra kết luận cuối cùng. Từ đó, có thể làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoặc tập thể có liên quan (nếu có).
Trước đó, ngày 28/4, Shen Jiangyang và Deng Zhiji nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, với ý định tìm kiếm cổ vật tại các lăng mộ vua chúa và người giàu có hòng trộm cắp tài sản được chôn cùng.
Cả 2 mang theo dụng cụ tìm đồ cổ và sau khi đến thành phố Thanh Hóa, chúng lưu trú tại một khách sạn ở phường Điện Biên. Sau đó, các đối tượng thuê xe máy đến khu lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh để khảo sát địa hình.
Ngày 3/5, cả 2 đối tượng này đã thực hiện hành vi thăm dò và đào bới tại lăng mộ vua Lê Túc Tông nhưng không tìm được cổ vật có giá trị. Khi bị phát hiện, chúng bỏ lại dụng cụ và nhanh chóng tẩu thoát.

Hố đào có chiều sâu 1,6m tại khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an phát hiện 2 công dân Trung Quốc đã đào một hố có kích thước 90x52cm và sâu 1,6m tại lăng mộ vua.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 14 mảnh bia mộ bằng đá có khắc chữ Hán và họa tiết rồng thời Lê. Chữ khắc trên bia đá là chữ Khải, ghi miếu hiệu của vua Lê Túc Tông.
Ngoài ra, còn có 15 mảnh gạch màu xám đen cũng được phát hiện tại hiện trường. Các hiện vật này đã được Công an tỉnh Thanh Hóa niêm phong để hỗ trợ điều tra.