Đắk Lắk:
Vụ xã huy động gần 9 tỷ “chạy” theo thành tích nông thôn mới: Phải giảm mức thu cho dân
(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí có bài viết phản ánh việc người dân bức xúc khi UBND xã Phú Xuân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) huy động gần 9 tỷ đồng từ người dân để trả nợ tiền xây dựng các công trình giáo dục. UBND huyện đã có buổi làm việc và yêu cầu xã phải điều chỉnh mức thu xã hội hóa phù hợp với điều kiện địa phương.
Giảm mức thu đối ứng cho người dân
Ngày 26/10, ông Trương Hoài Anh - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết đã chỉ đạo UBND xã Phú Xuân điều chỉnh phương án thu xã hội hóa đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và quy định của pháp luật, báo cáo huyện trước ngày 30/10/2019.
Đồng thời, phải phổ biến tuyên truyền để bà con, nhân dân hiểu rõ về việc huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới và phải quản lý, sử dụng các nguồn quỹ công khai minh bạch trên cơ sở tự nguyện của người dân.
Theo một cán bộ Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Krông Năng đã có văn bản yêu cầu UBND xã Phú Xuân điều chỉnh phương án thu xã hội hóa việc các khoản thu đối ứng của từng công trình phải chi tiết từng hạng mục, phù hợp.
Đặc biệt, theo vị cán bộ này, việc huy động phải được tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến từng hộ gia đình để ổn định dư luận, nhất là từ các hộ có con em đi học.
“Hiện tại phía xã phải tạm ngưng việc thu ở các trường học để điều chỉnh phương án có các khoản thu hợp lý nhất. Nguồn đối ứng từ đấu giá đất của xã khi thực hiện được, phải giảm phí thu xã hội hóa cho người dân”, vị cán bộ này cho hay.
Tại buổi làm việc với đại diện các ban ngành, các lãnh đạo trường học trên địa bàn xã Phú Xuân, UBND xã Phú Xuân cho biết, trong phần đối ứng 8.988.000.000 đồng, xã sẽ thực hiện xây dựng phương án huy động trong dân với số tiền còn 3 tỷ, phần còn lại từ nguồn vốn ngân sách thu tiền sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, trước đó trong phương án huy động vốn đối ứng của xã là huy động gần 9 tỷ đồng từ đóng góp của người dân, không đề cập đến việc sẽ sử dụng ngân sách của xã.
Theo báo cáo của Phòng Tài chính - Kế hoạch (UBND huyện Krông Năng) năm 2017, UBND xã Phú Xuân đã xây dựng 11 công trình theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 27,6 tỷ đồng.
Trong đó, UBND xã phải thực hiện phần đối ứng ngân sách xây dựng cơ sở vật chất các trường học gần 9 tỷ đồng. Trong năm 2019, UBND xã đã giao cho các trường tổ chức huy động, thu hộ được trên 340 triệu đồng (các hộ có con đi học là 215 triệu đồng, số còn lại là thu từ những hộ không có con đi học).
Theo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Krông Năng nhận định, việc UBND xã Phú Xuân huy động vốn để xây dựng 11 công trình trường học là đúng mục đích. Tuy nhiên, phương án triển khai của UBND xã chưa thể hiện rõ, còn chung chung mang tính cào bằng. Phương án đã xây dựng chưa thể hiện rõ nguồn vốn để thực hiện đối ứng là huy động trong nhân dân bao nhiêu và phần còn lại ngân sách bao nhiêu.
UBND xã Phú Xuân thực hiện thu tiền người dân chỉ thông qua cuộc họp 4 bên mà chưa có văn bản đồng ý của HĐND xã.
“Nhờ trường học thu hộ tiền là không đúng”
Trao đổi với PV, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GĐ-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc huy động tiền xây dựng nông thôn mới từ việc nhờ các trường học thu hộ từ học sinh là không đúng dễ gây hiểu nhầm, phản cảm.
“Đưa vào trường thu gây hiểu nhầm rằng trường lạm thu nên đề nghị xã thu theo kênh chính quyền của hộ gia đình, không nên đưa vào thu ở nhà trường”, ông Khoa cho hay.
Hiện Sở đã giao cho phòng Kế hoạch – Tài chính nghiên cứu xem phía UBND xã Phú Xuân đã vận dụng theo Pháp lệnh 34 ngày 20/4/2007 (về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… ) đúng hay không. Nếu không đúng sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo phía xã điều chỉnh cho phù hợp.
Như Dân trí phản ánh UBND xã Phú Xuân đã tiến hành huy động tiền đối ứng xây dựng cơ sở vật chất là gần 9 tỷ đồng bằng cách đóng góp ở người dân. Cụ thể, gia đình có con em đi học đóng góp 500 ngàn đồng/em, gia đình có 2 con đóng góp thêm 250 ngàn đồng/em và gia đình không có con em đi học đóng góp 150 ngàn đồng/hộ và phải đóng liên tục trong vòng 3 năm.
Trước sự việc nhiều người dân đã bức xúc cho rằng xã chạy theo thành tích để đạt xã chuẩn nông thôn mới, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất giáo dục rồi bắt người dân còn nhiều khó khăn phải trả nợ thay.
Thúy Diễm