Đắk Lắk:
Dân phản ứng khi xã thu gần 9 tỷ để "chạy” theo thành tích nông thôn mới!
(Dân trí) - Trước việc UBND xã Phú Xuân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) tiến hành huy động gần 9 tỷ đồng để trả tiền xây dựng các công trình giáo dục trên địa bàn nhằm được công nhận xã nông thôn mới, không ít người dân đã bức xúc cho rằng xã không căn cứ vào tình hình thực tế mà “chạy” theo thành tích rồi bắt dân trả nợ.
Bức xúc khi bị trả nợ thay xã?
Ngày 18/10, thông tin từ UBND huyện Krông Năng (Đắk Lắk), cho biết, đã yêu cầu UBND xã Phú Xuân báo cáo về nội dung, quy trình, mức thu xã hội hóa để đối ứng cho các công trình giáo dục trên địa bàn. Đồng thời, huyện giao cho phòng Tài chính – kế hoạch tiến hành xác minh, làm rõ việc huy động xã hội hóa vốn đối ứng gần 9 tỷ đồng tại xã Phú Xuân.
Trước đó, nhiều người dân đã phản ánh với báo chí việc UBND xã Phú Xuân đang triển khai thu 8.988.000.000 đồng huy động nguồn vốn đối ứng xây dựng 11 công trình, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn.
Theo phương án thu của UBND xã Phú Xuân sẽ huy động đóng góp của người dân trong thời gian 3 năm (từ tháng 4/2019 đến năm 2022) để đối ứng lại khoản tiền xã đã chi.
Cụ thể, các gia đình có con em theo học từ bậc Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn xã đóng 500.000 đồng/em; gia đình có 2 con trở lên thu thêm 250.000 đồng. Gia đình không có con đi học và đi học ngoài địa bàn xã phải đóng 150.000 đồng/hộ.
Riêng các hộ cận nghèo được giảm 50% và các trường hợp được miễn như: hộ nghèo, gia đình chính sách, người già hết tuổi lao động.
Để triển khai, UBND xã đã yêu cầu các trường học trên địa bàn tiến hành thu hộ đối với các học sinh. Riêng các hộ dân trên địa bàn không có con em đi học thì Ban tự quản thôn sẽ trực tiếp đi thu.
Tuy nhiên, trước việc huy động vốn đối ứng này, nhiều người dân trên địa bàn xã đã bức xúc cho rằng do xã "chạy" theo thành tích để đạt tiêu chí giáo dục và được công nhận xã nông thôn mới dẫn đến việc nợ tiền xây dựng rồi phải huy động dân trả lại.
“Chúng tôi không biết trước khi có quyết định tu sửa xây dựng các trường học, xã có báo cáo và xây dựng phương án nguồn vốn lấy ở đâu ra hay họ làm xong mới tính, rồi đổ lên đầu người dân và bắt con em học sinh đóng. Tôi thấy xã vừa được công nhận nông thôn mới nhưng là chạy theo thành tích mà không căn cứ vào thực tế khó khăn của bà con dẫn đến việc huy động chúng tôi trả nợ”, một người dân lên tiếng.
Bên cạnh đó, không ít hộ cho rằng mức thu trên quá cao lại thu 3 năm liên tục và những hộ không còn con cái đi học vẫn phải đóng cho việc xây trường là bất hợp lý.
Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (xã Phú Xuân), cho biết, gia đình anh có 2 người con vị chi sẽ phải đóng 750.000 đồng/năm và phải đóng xuyên suốt 3 năm trời chưa kể phải đóng các khoản tiền khác ở trường học là không phù hợp.
“Tôi thấy thôn có họp mà chưa thấy họ căn cứ vào công văn nào số bao nhiêu để thu, dân chúng tôi không đồng tình mức thu cao này. Theo tôi thu thì phải được huyện đồng ý nhưng tại sao cả huyện mỗi xã Phú Xuân thu mà các xã khác lại không?”, vị phụ huynh băn khoăn.
Chưa báo cáo với huyện việc thu
Ông Lê Đình Chủng - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, xã đã họp thường trực thống nhất chủ trương và các thôn đã tổ chức họp được người dân đồng tình thì xã mới thu.
Cũng theo ông Chủng, vào tháng 12/2018 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó tiêu chí giáo dục cũng là tiêu chí để đạt được mục tiêu này nên xã có huy động đối ứng xây dựng cơ sở vật chất trường học với 11 công trình.
“Hiện UBND xã đang nợ tiền xây dựng các công trình trên gần 9 tỷ đồng. Ban đầu xã định sẽ tiến hành bán đấu giá đất của xã với 17 lô (khoảng 2,7 sào) để trả dần nhưng nay việc mua bán đất chững lại nên không còn cách nào khác ngoài huy động người dân chung tay góp sức”, ông Chủng cho hay.
Ông Chủng cũng thừa nhận, khi họp thôn được người dân đồng ý, xã xin chủ trương thường trực để Đảng ủy, HĐND xã để thực hiện thu chứ chưa báo cáo qua UBND huyện.
Trước câu hỏi về việc người dân địa phương đa phần là nông dân, mấy năm nay nông sản rớt giá thê thảm đời sống khó khăn nên việc thu được coi là chưa hợp lý, vị chủ tịch xã Phú Xuân thừa nhận, cũng có một số người dân không hoàn toàn đồng tình việc huy động này.
“Tôi cũng nói anh em có thể thu tiền chia thành từng đợt trong năm, không nhất thiết một lúc thu cả số tiền này. Trong năm 2018 xã mới bán được 3 lô đất, nếu sau này việc bán đất khả quan hơn thì có thể sẽ lui tiền lại cho bà con”, ông Chủng giãi bày.
Vị Chủ tịch xã cũng cho biết, hiện một số thôn đã bắt đầu thu tiền nhưng xã chưa thống kê số lượng người dân đóng được bao nhiêu.
Được biết, địa bàn xã Phú Xuân có 32 thôn, trên 4.200 hộ với trên 18.600 nhân khẩu.
Trao đổi PV Dân trí, ông Trương Hoài Anh - Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết, địa phương chưa nhận được thông tin UBND xã Phú Xuân huy động vốn của người dân để xây dựng các công trình trường học và đang yêu cầu kiểm tra lại vụ việc này.
Theo một nguồn tin cho biết, dự kiến vào đầu tuần sau sẽ có báo cáo về việc huy động vốn đối ứng tại xã Phú Xuân để trả lời báo chí.
Thúy Diễm