Vụ VĐV tố bị ăn chặn tiền: Cần chuyển vụ việc tới cơ quan Cảnh sát điều tra
(Dân trí) - "Rất mong cơ quan công an sớm vào cuộc, điều tra làm rõ trắng đen, có như vậy mới đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật và góp phần nâng cao trình độ thể thao nước nhà".
Lãnh đạo Cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa chỉ đạo tạm dừng công tác đối với 2 HLV đội tuyển TDDC quốc gia là Nguyễn Hà Thanh và Nguyễn Thùy Dương sau vụ việc cựu VĐV đội tuyển TDDC Phạm Như Phương từ giã đội tuyển ở tuổi 20 và tố cáo HLV có hành vi ăn chặn tiền thưởng tại các giải đấu.
Cơ quan quản lý sẽ chờ đợi báo cáo giải trình chi tiết hơn của 2 HLV cũng như các VĐV để có hướng xử lý tiếp theo đối với sự việc.
"Nên điều tra để có câu trả lời một cách toàn diện"
Trước động thái mới nhất của lãnh đạo ngành Thể thao, nhiều độc giả cho rằng cần có những biện pháp xử lý quyết liệt hơn, trong đó không loại trừ việc chuyển hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc xem xét dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật.
Bình luận dưới bài viết Vụ VĐV tố bị "thu phế" tiền thưởng: Dừng công tác huấn luyện với 2 HLV, độc giả Nguyễn Tiến Lực viết: "Ngành thể thao nước ta đang có rất nhiều tiêu cực, từ vụ sân Mỹ Đình, VĐV bóng bàn cho đến đội tuyển TDDC bị phanh phui. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo ngành vẫn chỉ xử lý con tốt thí. Nên để cơ quan công an vào cuộc điều tra, đem các sai phạm xử lý thì tốt hơn".
Tiếp lời, độc giả Hung bình luận: "Sai phạm cá nhân, con sâu làm rầu nồi canh. Một con sâu hay nhiều con sâu, sai phạm cá nhân hay hệ thống của cả tập thể? Nên điều tra để trả lời xã hội một cách toàn diện".
Cũng bày tỏ sự ngao ngán, anh Phan Trọng viết: "Không phải tới giờ, mà cách đây nhiều năm cũng đã có những lùm xùm về việc ăn chia không công bằng các khoản tiền thưởng dành cho VĐV hoặc tập thể giành huy chương, thành tích cao tại đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nó nhanh chóng bị lắng xuống. Từ đó đến giờ, các VĐV ở các cấp đều bị ban huấn luyện hay HLV tìm cách thu những khoản tiền rất đúng quy trình".
"Dành cả tuổi thơ, thanh xuân để cống hiến cho đất nước mà lại bị chính các thầy cô giáo bóc lột trên công sức, mồ hôi, nước mắt. Chính việc này của các HLV đã làm các em nhụt chí, mất lòng tin, và làm cho đất nước mất đi những tài năng đỉnh cao", độc giả Diên Trần bày tỏ sự xót xa.
"Quá tham lam! Khi tổng kết thành tích, VĐV đoạt giải cao có thưởng thì HLV cũng có thưởng, vậy mà HLV Dương còn bắt VĐV trích 10% tiền thưởng nộp cho mình. Cần xem xét yếu tố lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản đối với nữ HLV này. Đây sẽ là tấm gương để tránh việc các HLV ở những bộ môn khác làm bậy", anh Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến.
Tương tự, chủ tài khoản Nguyendinhtrai bình luận: "Phải xem xét trách nhiệm hình sự tội cưỡng đoạt tài sản. Đề nghị thành lập ủy ban tiếp nhận tố giác của các VĐV".
"Chuyện thu phế về bản chất là lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cấp dưới, nói theo ngôn ngữ dân dã là trấn lột. Cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý những đối tượng "thu phế", ý kiến từ độc giả Nguyễn Văn Tạo.
"Có hay không tội cưỡng đoạt tài sản? Đề nghị công an vào cuộc điều tra tất cả 36 bộ môn", "Đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc, điều tra làm rõ trắng đen, có như vậy mới đảm bảo sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật và góp phần nâng cao trình độ thể thao nước nhà".
"Tha thiết mong cơ quan điều tra vào cuộc, giải phẫu toàn hệ thống để loại bỏ những ung nhọt ẩn đâu đó trong cơ thể ngành thể thao nước nhà"... hàng loạt ý kiến mong mỏi sự vào cuộc của cơ quan công an nhằm làm sáng tỏ, tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của sự việc.
Vậy trong trường hợp này, có cơ sở để yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc hay không?
Có dấu hiệu hình sự hay không?
Giải đáp băn khoăn của độc giả dưới góc độ pháp lý, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, người nào có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản. Để cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, một hành vi cần đáp ứng các điều kiện sau:
Về mặt chủ quan, hành vi được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác. Đây là yếu tố bắt buộc cấu thành tội phạm này;
Về mặt khách quan, hành vi thể hiện ở việc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản;
Về mặt chủ thể, người phạm tội này là người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc từ đủ 14 tuổi trở lên (nhưng phạm tội thuộc các khoản 2, 3, 4 Điều này) và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự;
Về mặt khách thể, hành vi xâm phạm cùng lúc 2 khách thể là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân, trong đó chủ yếu là quan hệ sở hữu. Mục đích của tội phạm là đe dọa tinh thần làm cho người bị cưỡng đoạt phải giao tài sản.
Đối chiếu trường hợp này, luật sư Trang nhìn nhận để có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là có hay không sự tự nguyện trong việc "phân chia" tiền thưởng giữa các HLV và VĐV? Việc phân chia dựa trên thỏa thuận, sự tự nguyện của các bên hay có dấu hiệu của việc lừa dối, cưỡng ép.
Nếu việc phân chia dựa trên sự thỏa thuận, ý chí tự nguyện giữa HLV với VĐV hoặc gia đình, đây chỉ được coi là quan hệ dân sự. Yếu tố hình sự sẽ được xét tới trong trường hợp có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh HLV có hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác (Dọa cấm thi đấu, loại khỏi đội tuyển hay không cho tập luyện...) để yêu cầu các VĐV cắt lại 10% tiền thưởng cho mình.
Còn luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng dựa trên các thông tin hiện có trên truyền thông, việc "thu phế" hay "cắt phế" giữa HLV và VĐV hiện là mối quan hệ dân sự về việc phân chia lợi ích giữa các bên. Bản chất quan hệ pháp luật trong trường hợp này là quan hệ dân sự, nhưng không loại trừ khả năng có thể "hình sự hóa" nếu VĐV có thể chứng minh được việc HLV đã đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có các thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần của VĐV để yêu cầu phân chia tài sản.
VĐV và gia đình cần thu thập, cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh HLV có các sai phạm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tiền thưởng của VĐV. Trường hợp có đầy đủ chứng cứ cho rằng HLV đã có hành vi vi phạm pháp luật, VĐV có thể nhờ cơ quan chức năng thụ lý giải quyết theo quy định để giải quyết theo trình tự pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình.
Hoàng Diệu