TP.HCM - Bài 4:
Vụ vay “nóng” 1,6 tỷ, nguy cơ mất nhà hơn 12 tỷ: Những bản hợp đồng “ảo”!
(Dân trí) - “Hợp đồng chuyển nhượng nhà số 13/1 Gò Cẩm Đệm thực chất là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu việc bà Xuân vay của ông Quang 1,6 tỷ đồng nên Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị Giám đốc thẩm đối với vụ án nêu trên là có cơ sở”, Luật sư Nguyễn Đức Chánh nhận định.
Hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu?
Liên quan đến vụ bà Nguyễn Công Hồng Xuân (chủ căn nhà số 13/1 đường Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM) cùng nhiều thành viên trong gia đình đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi căn nhà đã sống hơn 40 năm qua do bà Xuân vay “nóng” 1,6 tỷ đồng của ông Hàn Dũng Quang (ở số 472/50 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3) trong thời hạn một năm và bị “sập bẫy” chủ nợ dẫn đến việc có thể mất trắng căn nhà trị giá hơn chục tỷ đồng, Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: “Nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 019188/HĐ-MBN nhà số 13/1 Gò Cẩm Đệm, phường 10, quận Tân Bình ngày 10/10/2013 là vô hiệu do che giấu giao dịch vay tiền là có căn cứ”.
“Hợp đồng chuyển nhượng nhà số 13/1 Gò Cẩm Đệm thực chất là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu việc bà Xuân vay của ông Quang 1,6 tỷ đồng nên Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị Giám đốc thẩm đối với vụ án nêu trên là có cơ sở”, Luật sư chánh nhận định.
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM xác định: “Quá trình giải quyết vụ án, khi xem xét Hợp đồng chuyển nhượng, bản án phúc thẩm đánh giá không khách quan các chứng cứ liên quan như: Hợp đồng thỏa thuận ngày 7/10/2013 giữa bà Xuân với ông Quang, so sánh giữa giá trị ghi trong hợp đồng (1,6 tỷ) với giá trị ngân hàng định giá (12,2 tỷ đồng), hiện trạng tài sản chuyển nhượng và việc thanh toán giao nhận tài sản giữa các bên nên không đủ căn cứ xác định bà Xuân chuyển nhượng nhà đất cho ông Quang hay chỉ là hợp đồng giả để che đậy hợp đồng vay tiền”.
Đáng chú ý, giá trị chuyển nhượng theo Hợp đồng số 019188/HĐ-MBN ngày 10/10/2013 là 1,6 tỷ đồng nhưng chỉ 6 tháng sau theo Hợp đồng thế chấp số 17/HĐTC-2014 ngày 03/3/2014 giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh Lý Thường Kiệt với ông Quang được xác định là tổng giá trị tài sản nhà đất số 13/1 Gò Cẩm Đệm là 12,2 tỷ đồng chênh lệch này hơn 7 lần. Một điểm bất thường nữa, trước đó ông Quang đã thỏa thuận việc ký hợp đồng mua bán nhà chỉ là hình thức bảo đảm việc cho mượn nhưng lại làm thủ tục đăng bộ cập nhật biến động sang tên mình với thời gian thủ tục hành chính rất nhanh là trong 1 ngày.
Ngoài ra, Hồ sơ tín dụng có thể hiện sự mâu thuẫn, bất hợp lý, Hợp đồng tín dụng ghi ngày 28/2/2014, trong khi hợp đồng thế chấp ngày 3/3/2014 nhưng tại Điều 8 đã ghi: “Thế chấp căn nhà số 13/1 Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 17/HĐTC-2014 ngày 3/3/2014”, sự mâu thuẫn này không được Tòa án hai cấp làm rõ.
Chờ phiên toà công minh
Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TNAD Q.8 và TAND TP.HCM đã tuyên trong vụ việc liên quan gia đình bà Xuân có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và thiếu sót trong thu thập chứng cứ dẫn đến kết luận và quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án nên Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND Q.8 và TAND TP.HCM theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Uỷ ban, đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy hai bản án trên để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cũng tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cũng cho rằng, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm có những nhận định khác nhau hoàn toàn, trong khi một số tình tiết mâu thuẫn trong vụ án chưa được làm rõ. “Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà Xuân, TAND Cấp cao tại TP.HCM cần xem xét lại thấu đáo tình tiết, chứng cứ trong vụ án. Vì nếu đúng là bà Xuân chỉ vay 1,6 tỷ mà mất đi tài sản gấp nhiều lần so với số tiền vay thì thiệt hại quá lớn cho bà Xuân và có thể gây ra hệ lụy pháp lý về sau”, LS Chánh nhấn mạnh.
Trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Dân trí, bà Xuân khẳng định, bà đã nhiều lần tìm ông Quang để trả số tiền cả gốc và lãi trong một năm (gần 1,87 tỷ đồng) nhưng ông Quang luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí rời khỏi nơi cư trú để... không nhận tiền trả nợ từ bà Xuân. Chính việc này đã đẩy gia đình bà Xuân lâm vào cảnh bị đẩy ra khỏi ngôi nhà đã sinh sống ổn định hơn 40 năm qua.
Trao đổi với PV Dân trí, nhiều thành viên trong gia đình bà Xuân khẳng định, họ mong chờ một phiên toà công minh để xem xét lại toàn bộ quá trình, diễn biến vụ việc. Bởi nếu chỉ vay 1,6 tỷ đồng mà mất đi căn nhà hàng chục tỷ thì công lý ở đâu?
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên