TP.HCM - Bài 1:

Vay “nóng” 1,6 tỷ đồng, nguy cơ mất nhà hơn 12 tỷ!

(Dân trí) - Cả gia đình bà Xuân đang đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi căn nhà đã sống hơn 40 năm qua. Chuyện khó tin này xảy ra từ việc bà Xuân vay “nóng” 1,6 tỷ đồng trong thời hạn một năm, do bà Xuân “sập bẫy” chủ nợ dẫn đến việc có thể mất trắng căn nhà trị giá hơn chục tỷ đồng.

baxuan

Không chỉ phải chịu khoản lãi suất “cắt cổ” cho khoản vay 1,6 tỷ đồng mà bà Xuân đang đứng trước nguy cơ mất căn nhà trị giá hơn 12 tỷ đồng vì bị chủ nợ âm thầm bảo lãnh cho một công ty để vay tiền ngân hàng.

Theo trình bày của bà Nguyễn Công Hồng Xuân (chủ căn nhà số 13/1 đường Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM), năm 2013, do cần tiền trả nợ nên thông qua một số đối tượng mô giới, bà Xuân gặp được ông Hàn Dũng Quang (ở số 472/50 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3) để vay 1,6 tỷ đồng, một năm sau số tiền phải trả lên đến hơn 1,86 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho số nợ trên, ông Quang yêu cầu bà Xuân ký hợp đồng mua bán căn nhà 13/1 đường Gò Cẩm Đệm của bà với giá bằng với số tiền vay “nóng” (có công chứng đầy đủ), đồng thời ký riêng một hợp đồng “tay” nêu rõ việc ký hợp đồng mua bán chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay. Ông Quang không được sử dụng giấy tờ nhà để mua bán, chuyển nhượng dưới bất kì hình thức nào trong thời gian còn hạn trả nợ, khi bà Xuân trả hết hết nợ, ông Quang sẽ trả lại giấy tờ nhà bằng hình thức bán lại hoặc cho tặng nhà.

Đến hạn trả (tháng 10/2014), bà Xuân liên hệ nhưng ông Quang luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí rời khỏi nơi cư trú để... không nhận tiền trả nợ từ bà Xuân. “Trong khoảng thời gian này tôi vẫn sống bình thường tại căn nhà của mình và chờ ông Quang đến để trả nợ nhưng vẫn không thấy”, bà Xuân nói.

Tháng 8/2015, bà Xuân bất ngờ bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) khởi kiện yêu cầu tòa án phát mãi căn nhà của bà để thu hồi nợ, do đối tượng vay vốn mất khả năng chi trả. Lúc này bà Xuân mới tá hoả khi biết ông Quang mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho Công ty cổ phần dược phẩm Việt Tâm (số 184 đường Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM) vay nợ.

Tổng giá trị nhà và đất lúc này được ngân hàng Agribank định giá khoảng 12,2 tỷ đồng, sau đó Agribank cho Công ty cổ phần dược phẩm Việt Tâm vay 8 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền Công ty cổ phần dược phẩm Việt Tâm đưa 7,6 tỷ, số còn lại Công ty này giữ.

Đến hạn nhưng Công ty Việt Tâm không trả được nợ. Do đó, Agribank đã khởi kiện ra TAND Q.8, yêu cầu phát mãi nhà của bà để thu hồi nợ với số tiền cả gốc và lãi lên đến hơn 9,4 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND Q.8 và TAND TP.HCM.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND Q.8 và TAND TP.HCM.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 30/9/2016, TAND Q.8 nhận định, các bên điều biết hợp đồng mua bán nhà là giả tạo nhằm che đậy hợp đồng vay mượn tiền. Trong khi Agribank có quyền và nghĩa vụ thẩm định khi cấp phát hạn mức tín dụng nhưng không thẩm định đúng theo quy định tại Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng là cũng có lỗi.

Cuối cùng, tòa tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữ Agribank với Công ty Việt Tâm và ông Quang.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/3, TAND TP.HCM cho rằng, giao dịch này không phải là giao dịch giả tạo. Đồng thời cho rằng, trong hợp đồng thỏa thuận với bà Xuân, ông Quang chỉ bị hạn chế quyền không được chuyển nhượng, mua bán nhưng không bị hạn chế quyền được thế chấp tài sản. Toà cấp phúc thẩm đã tuyên Agribank thắng kiện, cho phép ngân hang được phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Không đồng ý với bản án phúc thẩm, bà Xuân làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm và VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để xem xét lại.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên