Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Ủy ban huyện bị tố trả đất chợ Cái Dầy bất thường”, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng có báo cáo xác định việc Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lợi giải quyết trả đất cho hộ bà Lưu Thị Nhung là không có căn cứ pháp lý.

Theo tài liệu của PV Dân trí, vào tháng 8/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định về việc thành lập Tổ công tác liên ngành (Tổ công tác 1263) để kiểm tra việc UBND huyện Vĩnh Lợi giải quyết trả đất tại chợ Cái Dầy cho hộ bà Lưu Thị Nhung, do Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chủ trì.

Đến tháng 8/2016, Tổ công tác 1263 có báo cáo (số 66/BC-TCT) kết quả kiểm tra theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 1

Đường vào chợ Cái Dầy (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Xác định nguồn gốc đất

Theo báo cáo số 66, nguồn gốc đất khu vực chợ Cái Dầy nguyên là khu đất nghĩa địa của chùa Vĩnh Bình, hiện trạng chủ yếu là mồ mả và ao trũng do người dân đào lấy đất đắp mộ.

Năm 1973, một số hộ dân tản cư chiến tranh đến khu đất này cất nhà ở cặp theo ven sông, trong đó có ông Phạm Văn Di (cha chồng bà Lưu Thị Nhung). Sau chiến tranh, phần lớn các hộ đã bỏ đi, để lại nền trống, lúc này ông Di cũng trở về quê cũ, để lại căn nhà cho ông Phạm Văn Minh (con trai ông Di) sử dụng. Trong quá trình sống ở đây, vợ chồng ông Minh có tận dụng số nền trống để trồng mía với diện tích khoảng 100m2.

Đến năm 1985, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về xây dựng cụm kinh tế Cái Dầy, UBND huyện Vĩnh Lợi huy động nhân công lao động công ích trên địa bàn huyện tập trung về di dời mồ mả, san lấp mặt bằng để xây dựng chợ Cái Dầy. Quá trình đào lấy đất đắp nền chợ đã hình thành 2 ao lớn (trong đó có một ao thuộc thửa số 42, tờ bản đồ số 20, diện tích 1.833,45m2 hiện đã công nhận cho bà Nhung).

Vào năm 1987, nhà lồng chợ Cái Dầy được xây dựng hoàn thành trên diện tích hơn 1.138m2 và giao cho Công ty thương nghiệp huyện Vĩnh Lợi quản lý, điều hành. Đến năm 1989, chợ Cái Dầy giao lại cho UBND xã Hòa Hưng (cũ) quản lý.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 2

Khu vực chợ Cái Dầy ngày nay.

Báo cáo số 66 cũng cho biết, vào năm 1988, ông Phạm Văn Minh (chồng bà Nhung) có đơn cho rằng khu chợ Cái Dầy quy hoạch xây dựng lên trên 3.000m2 đất của gia đình nên yêu cầu giải quyết. Đến ngày 8/5/1991, giữa Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng, Ban quản lý chợ Cái Dầy đã thống nhất lập bản ghi nhận phạm vi ranh 3.000m2 đất mà ông Minh yêu cầu. Trong đó, bao gồm 1.500m2 đất đã xây dựng chợ (phần này Nhà nước sẽ trả hoa lợi khi nào có văn bản quyết định của UBND huyện Vĩnh Lợi), diện tích còn lại 1.500m2 đất chưa xây dựng để lại cho gia đình ông Minh tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, thỏa thuận nêu trên sau đó không được thực hiện, nên sau khi ông Minh mất, bà Lưu Thị Nhung tiếp tục làm đơn yêu cầu UBND huyện Vĩnh Lợi thực hiện biên bản ngày 8/5/1991.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 3

Biên bản ngày 8/5/1991 của Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng về việc ranh giới khu vực chợ.

Ngày 16/3/2007, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi có quyết định (số 160/QĐ-UBND) buộc UBND xã Châu Hưng phải trả cho bà Lưu Thị Nhung 520,14m2 đất cho đủ 3.000m2 theo yêu cầu của bà Nhung.

Ngoài nội dung giải quyết trả 520,14m2 đất thuộc phạm vi nền nhà lồng chợ, quyết định số 160 còn công nhận cho bà Nhung được quyền sử dụng đối với 2.479,60m2 đất xung quanh nhà lồng (trong đó có thửa số 42, tờ bản đồ số 20, diện tích 1.833,45m2 do UBND xã Châu Hưng quản lý) với lý do diện tích này bà Nhung đã tái chiếm sử dụng trong quá trình quy hoạch xây chợ.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 4

Quyết định số 160 của UBND huyện Vĩnh Lợi về việc giải quyết đơn yêu cầu trả lại đất chợ Cái Dầy cho bà Lưu Thị Nhung...

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 5

Một "sổ đỏ" của UBND huyện Vĩnh Lợi cấp cho bà Nhung.

Cũng trong năm 2007, bà Nhung được cấp "sổ đỏ" phần đất 520,14m2 trên phần đất nhà lồng chợ và phần đất 1.833,45m2 trên phần đất ao thuộc thửa số 42. Trên cơ sở đó, bà Nhung đã chuyển nhượng lại một phần diện tích đất vừa được cấp giấy cho các hộ khác; đồng thời xảy ra tranh chấp với hộ ông Trần Văn Nhỏ (người đại diện đứng đơn tố cáo vụ trả đất).

Ủy ban huyện trả đất không có căn cứ pháp lý

Theo báo cáo số 66, về mặt hồ sơ địa chính qua các thời kỳ trước và sau thời điểm thành lập chợ Cái Dầy như bản đồ, sổ mục kê ruộng đất... thì không có phần đất nào tại khu vực chợ do gia đình bà Lưu Thị Nhung đăng ký sử dụng.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 6

Sổ mục kê đất năm 1997, vị trí 3.000m2 đất công nhận và giao lại cho bà Nhung, có nhiều diện tích đất thuộc đất nhà lồng chợ, đất công cộng do xã quản lý

Về mặt thực địa, trước năm 2007, trong 3.000m2 đất thì gia đình bà Nhung chỉ trực tiếp quản lý sử dụng 637,25m2 (gồm thửa số 27 có diện tích 570,25m2 là khu chợ cá và thửa số 193 có diện tích 67m2 là phần đất ở ven sông). Hai thửa đất này bà Nhung được UBND huyện Vĩnh Lợi cấp "sổ đỏ" vào các năm 2002 và 2004. Diện tích còn lại 2.362,75m2 (gồm 520,14m2 đất nhà lồng chợ và 1.842,61m2 là đất ao thuộc thửa số 42) đều là đất do UBND xã Châu Hưng quản lý về mặt thực địa và pháp lý.

Đối chiếu hồ sơ địa chính và kết quả kiểm tra thực địa sử dụng đất tại 3.000m2 đất đã công nhận cho bà Nhung, nhận thấy tại thời điểm xây dựng chợ vào năm 1985 thì hiện trạng đất khu vực này phần lớn là mồ mả và ao trũng, lúc này gia đình bà Nhung có một căn nhà ven sông và trồng mía tại vị trí khu vực chợ cá ngày này.

Bên cạnh đó, theo tường trình của ông Trần Văn Quyền (nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch huyện Vĩnh Lợi, người trực tiếp xây dựng bảo vệ đề án thành lập chợ Cái Dầy) thì chợ này do UBND huyện Vĩnh Lợi trực tiếp đầu tư và đưa nhân công từ các nơi trong huyện về để xây dựng trên khu đất nghĩa địa của chùa Vĩnh Bình. Sau khi chợ hoàn thành thì giao cho Công ty thương nghiệp huyện Vĩnh Lợi quản lý, khai thác. Sau khi giải thể Công ty thương nghiệp, chợ được giao lại cho địa phương quản lý đến ngày nay.

“Từ những kết quả nêu trên cho thấy, việc Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng, Ban quản lý chợ Cái Dầy đứng ra lập biên bản ngày 8/5/1991 với ông Phạm Văn Minh có nội dung ghi nhận Nhà nước quy hoạch chợ trùm lên 3.000m2 đất của gia đình ông Minh, đồng thời thỏa thuận để lại 1.500m2 và cam kết bồi thường thành quả lao động 1.500m2 cho ông Minh là hoàn toàn không có cơ sở.

Do đó, trước thời điểm chia tách huyện năm 2005, mặc dù gia đình bà Nhung nhiều lần dựa vào biên bản ngày 8/5/1991 yêu cầu huyện giải quyết trả hoa lợi nhưng đều không được xem xét giải quyết”, báo cáo số 66 nêu rõ.

Vụ ủy ban huyện trả đất chợ Cái Dầy bất thường: Thanh tra tỉnh Bạc Liêu từng báo cáo gì? - 7

Tường trình của ông Trần Văn Quyền (nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch huyện Vĩnh Lợi, người trực tiếp xây dựng bảo vệ đề án thành lập chợ Cái Dầy) gửi Tổ công tác 1263, có nội dung khẳng định đất xây dựng chợ Cái Dầy là công thổ Nhà nước.

"Còn việc Ủy ban huyện Vĩnh Lợi và xã Châu Hưng cùng các ngành liên quan trả đất theo biên bản ngày 8/5/1991 là sai phạm. Vì không ai xây dựng chợ trước đó nhiều năm rồi sau đó mới làm giấy mượn, trả đất", tờ tường trình nêu.

Cũng theo báo cáo số 66, sau khi chia tách huyện Vĩnh Lợi (thành huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình) thì vụ việc được đưa ra xem xét. Trong nhiều văn bản khác nhau, các cơ quan tham mưu của huyện Vĩnh Lợi luôn xác định quá trình thực hiện quy hoạch bà Nhung đã tái chiếm 2.479,86m2 nên chỉ còn phải trả thêm 520,14m2 là đủ 3.000m2.

"Điều này là không đúng với thực tế khách quan, có dấu hiệu báo cáo sai sự thật. Vì thực tế bà Nhung chỉ quản lý sử dụng có 637,25m2, diện tích còn lại vẫn do UBND xã Châu Hưng quản lý", báo cáo số 66 cho biết. 

Tổ công tác 1263 cũng xác định, việc UBND huyện Vĩnh Lợi căn cứ vào nội dung biên bản ngày 8/5/1991 và tờ trình ngày 6/3/2007 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lợi, để ban hành quyết định số 160 với nội dung thừa nhận cho bà Lưu Thị Nhung có quyền sử dụng đối với diện tích 2.479,86m2, đồng thời giải quyết trả thêm cho bà Nhung 520,14m2 đất nhà lồng chợ cho đủ 3.000m2 là thiếu căn cứ pháp lý và không đúng với thực tế sử dụng đất.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

G.H.Y