Vụ trực thăng chở du khách gặp nạn: 4 nạn nhân có thể nhận bảo hiểm gì?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, khách hàng mua vé từ các đơn vị lữ hành chào bán tour nên việc chi trả bảo hiểm cho hành khách gặp nạn còn phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành này với hành khách.

Sau vụ trực thăng Bell-505 của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18, gặp tai nạn tại khu vực biển giáp ranh xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, ngoài các khoản tiền bảo hiểm được chi trả cho phi công và máy bay, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về khoản tiền bảo hiểm bồi thường cho 4 du khách sẽ được thực hiện thế nào, đơn vị nào phải chi trả.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 sửa đổi bổ sung 2014 quy định tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác; trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.

Cũng theo luật sư Tiền, các vấn đề bồi thường đối với những thiệt hại do trực thăng gây ra sẽ được điều chỉnh bởi quy định tại Luật hàng không dân dụng.

Vụ trực thăng chở du khách gặp nạn: 4 nạn nhân có thể nhận bảo hiểm gì? - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 160 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi bổ sung 2014 về bồi thường thiệt hại đối với hành khách, người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay. Theo đó, trách nhiệm chính trong trường hợp này là của đơn vị điều hành, quản lý chuyến bay, ngoài ra các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm liên đới.

Trong vụ việc này, Công ty Trực thăng Miền Bắc là đơn vị cung cấp dịch vụ bay ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Theo đó, Luật sư tiền cho biết công ty này phải có trách nhiệm trong việc bồi thường đối với những nạn nhân xấu số.

Vụ trực thăng chở du khách gặp nạn: 4 nạn nhân có thể nhận bảo hiểm gì? - 2

Theo luật sư, khách hàng mua vé từ các đơn vị lữ hành chào bán tour nên việc chi trả bảo hiểm cho hành khách gặp nạn còn phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành này với hành khách.

"Theo thông tin tôi được biết thì trước khi tai nạn xảy ra, đơn vị lữ hành chào bán tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long với mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ. Tuy nhiên, mặc dù vé tour du lịch do Công ty Trực thăng miền Bắc cung cấp, nhưng khách hàng mua vé từ các đơn vị lữ hành chào bán tour du lịch trực thăng ngắm Vịnh Hạ Long.

Chính vì vậy, việc chi trả bảo hiểm cho hành khách gặp nạn còn phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành này với hành khách", luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.

Như vậy, trong trường hợp tai nạn xảy ra, khách hàng sẽ được bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe (nếu không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm). Phạm vi bồi thường, mức bồi thường, trách nhiệm chi trả trực tiếp cho khách hàng sẽ căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành du lịch và khách hàng, giữa Công ty Trực thăng miền Bắc và đơn vị lữ hành du lịch.  

Bên cạnh đó, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 166 Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Điều 2, Điều 3 Nghị định 97/2020/NĐ - CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không, giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm hai mươi tám nghìn tám trăm hai mươi mốt (128.821) (Theo quy định cũ là một trăm nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách).

Vụ việc xảy ra là điều không ai mong muốn, vì vậy các bên nên thỏa thuận mức bồi thường phù hợp và thỏa đáng. Trong trường hợp các bên không cùng tiếng nói chung thì gia đình các nạn nhân xấu số và các đơn vị liên quan có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm