Hà Nam:

“Treo” tiền đền bù của dân, 6 năm sau ra văn bản kiểm đếm lại!

(Dân trí) - Sau 6 năm mỏi mòn chờ đợi tiền đền bù, bỗng chốc người dân nhận được công văn đi kiểm đếm lại số tài sản đã “hao mòn" của gia đình mình do UBND thành phố Phủ Lý ra. Người dân càng bức xúc hơn khi mà số tiền đền bù chỉ bằng 1/3 so với ban đầu.

Dân bị “treo” tiền đền bù 7 năm chưa được trả.

Nhiều tháng qua, 3 hộ dân ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam liên tục gửi đơn phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng về việc thành phố Phủ Lý thu hồi đất trang trại của họ đã 7 năm nay nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ...

Sau 6 năm chuồng trại của các hộ dân nơi đây đã xuống cấp do không được xây dựng, đầu tư vào thêm
Sau 6 năm chuồng trại của các hộ dân nơi đây đã xuống cấp do không được xây dựng, đầu tư vào thêm

Anh Nguyễn Văn Anh đại diện cho 3 hộ dân sinh sống tại Phường Lê Hồng Phong thành phố Phủ Lý cho biết, vào năm 2002, 3 hộ dân gồm: anh Nguyễn Văn Anh; Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Quang, phường Lê Hồng Phong có ký hợp đồng thầu đất ruộng nông nghiệp, vùng trũng hiệu quả kinh tế thấp thành vùng sản xuất đa canh hiệu quả kinh tế cao với UBND Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý. Thời hạn thuê đất có giá trị đến hết năm 2013.

Đến tháng 12/2009, cả 3 hộ dân nhận được thông báo sẽ thu hồi đất đang thuê để làm Khu công nghiệp. Phía Ban GPMB thành phố Phủ Lý bắt đầu kiểm đếm tài sản từ đầu tháng 1/2010 cho đến cuối tháng 1/2010 hoàn tất.

Toàn bộ quá trình kiểm đếm và giá cả đền bù được 3 hộ gia đình thống nhất và không phản đối. Cả 3 hộ dân cũng thực hiện nghiêm túc việc không đầu tư thêm, không cơi nới hoặc xây dựng mới trên đất thu hồi đã kiểm đếm.

Anh Nguyễn Văn An cho biết: “Với giá đền bù năm 2009 của tỉnh Hà Nam, tôi được đền bù khoảng gần 4 tỷ đồng, anh Quang và anh Tuyến mỗi người sẽ được nhận hơn 1 tỉ đồng. Số tiền đền bù này cũng hòa vốn đầu tư của các gia đình bỏ tiền vào làm ăn, đấy còn chưa tính đến công lao động”.

Quyết định số 3320/QĐ-UBND, của UBND thành phố về việc quyết định kiểm đếm bắt buộc tài sản
Quyết định số 3320/QĐ-UBND, của UBND thành phố về việc quyết định kiểm đếm bắt buộc tài sản

Tuy nhiên, kể từ sau khi kiểm đếm cho đến nay đã 7 năm trôi qua, 3 hộ dân này vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một khoản tiền đền bù nào.

Anh Nguyễn Văn Quang bức xúc cho biết: “Từ khi Ban GPMB thành phố Phủ Lý kiểm đếm tài sản tới nay đã 7 năm, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào. Trang trại chăn nuôi thì không cho phép đầu tư nữa, bao nhiêu tiền của đổ vào xây dựng trang trại thế nhưng giờ đây nhìn các công trình hạ tầng, bờ kè bỏ hoang hư hỏng chúng tôi xót xa mà không biết kêu ai”.

Ra văn bản đi kiểm đếm lại sau khi tài sản đã “hao mòn” 6 năm.

Chờ đợi mỏi mòn tiền đền bù chưa thấy đâu thì đến ngày 15/12/2016, 3 hộ dân này bỗng nhận được quyết định số 3320/QĐ-UBND, của UBND thành phố về việc quyết định kiểm đếm bắt buộc tài sản đồng thời ra văn bản định giá bồi thường chỉ bằng 1/3 so với lần kiểm đếm 6 năm trước đó.

Tiếp đến ngày 04/05/2017, hội đồng bồi thường GPMB thành phố có thông báo tính giá bồi thường tài sản gia đình anh Nguyễn Văn Anh với tổng mức bồi thường là 987.659.726 đồng.

Tuy nhiên các gia đình không đồng ý cho kiểm đếm lại và cho rằng từ năm 2002 đến năm 2010 gia đình vay ngân hàng và người thân hơn 3 tỷ đồng đầu tư vào trang trại hơn 3ha, bây giờ đền bù như thế là không thoả đáng.

Anh Nguyễn Văn An cho biết việc kiểm đếm và áp giá đền bù lại thời điểm này quá thiệt thòi cho 3 hộ dân
Anh Nguyễn Văn An cho biết việc kiểm đếm và áp giá đền bù lại thời điểm này quá thiệt thòi cho 3 hộ dân

Anh Nguyễn Văn Anh bức xúc cho biết: “Chuyện bi hài quá, kiểm đếm xong xuôi, áp gia đền bù xong, 6 năm sau lại ra văn bản bắt buộc chúng tôi kiểm đếm lại số tài sản đã hao mòn suốt 6 năm trời”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lại Văn Thuật, Chủ tịch Phường Lê Hồng Phong cho biết: “Đúng là 3 hộ dân trên đang kiến nghị về việc bồi thường, phía các hộ dân đến thời điểm này chưa nhận được tiền bồi thường là do tỉnh chưa có kinh phí. Đồng thời khu công nghiệp cũng chưa có nhu cầu sử dụng nên mới treo đất và chậm đền bù tới bây giờ”.

Ông Thuật cũng cho biết thêm, phía UBND phường Lê Hồng Phong cũng đã có kiến nghị đến cấp trên để hỗ trợ các hộ dân chưa nhận được tiền đền bù.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc

Đức Văn