Bài 4:
Vụ toà bất ngờ xử "lén" tại Đắk Nông: Đương sự có cơ hội lấy lại tài sản?
(Dân trí) - TAND tỉnh Đắk Nông đã hủy quyết định đình chỉ yêu cầu độc lập của TAND huyện Đắk Song. Như vậy, bà Yến vẫn là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong phiên tòa từng được đưa ra xử “lén”.
“Tòa vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”
Theo nội dung vụ án, bà Nguyễn Thị Yến và bà Đỗ Thị Năng (trú cùng xã) liên quan đến vụ án Tranh chấp hợp đồng tài sản do TAND huyện Đắk Song thụ lý ngày 14/10/2019.
Cùng ngày 14/10/2019, phát hiện bà Năng đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng một lô đất có diện tích hơn 1,4 ha (tài sản duy nhất của bà Năng) cho ông Đỗ Văn Mạnh (anh trai bà Năng) nên bà Yến đã có đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ngày 16/10/2019, TAND huyện Đắk Song chấp nhận và “cấm vợ chồng bà Năng thực hiện việc chuyển dịch thửa đất nói trên”.
Do bị áp dụng biện pháp khẩn cấp, không thực hiện được việc chuyển nhượng thửa đất nên ngày 21/10/2019, ông Mạnh đã kiện bà Năng ra TAND huyện Đắk Song để công nhận hợp đồng.
Bà Yến được TAND huyện Đắk Song mời tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án được thụ lý ngày 21/10/2019.
Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông cho rằng, Tòa án Nhân dân huyện Đắk Song thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa ông Đỗ Văn Mạnh với bà Đỗ Thị Năng là không đảm bảo theo quy định tại các Điều 186, 187,192, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Theo luật sư Huy, đối tượng chuyển nhượng là quyền sử dụng đất. Thế nhưng, Tòa án này trước đó đã ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm vợ chồng bà Năng thực hiện việc chuyển dịch thửa đất nói trên”. Chính vì thế, TAND huyện Đắk Song thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng giữa ông Mạnh và bà Năng là mâu thuẫn.
Trước việc TAND huyện Đắk Song công nhận hợp đồng chuyển nhượng mà không mời bà Yến tham gia trong quá trình giải quyết, luật sư Huy nhận định, việc này vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự.
Theo luật sư Huy, TAND huyện Đắk Song không triệu tập bà Yến tham gia trong phiên hòa giải, công khai tiếp cận chứng cứ. Đồng thời TAND huyện Đắk Song đình chỉ tư cách tố tụng của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đối với bà Yến nhưng không gửi Quyết định cho bà Yến trong hạn luật định là vi phạm Điều 208, 217 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
“Việc vi phạm tố tụng của TAND huyện Đắk Song đã được TAND tỉnh Đắk Nông chỉ ra trong quyết định 06/2020/QĐ-PT ngày 16/09/2020. Trước hành vi vi phạm này, TAND tỉnh Đắk Nông đã hủy Quyết định đình chỉ yêu cầu độc lập của tòa Đắk Song, tức là khôi phục tư cách của bà Yến là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án giữa bà Năng và ông Mạnh”, luật sư Huy nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ việc này, theo bà Yến, cùng một lô đất rộng 1,4ha của bà Năng, tuy nhiên tại mỗi văn bản, lại được định giá khác nhau. Đặc biệt, việc định giá chênh lệch nhau gần 3 tỷ đồng khiến việc giải quyết vụ án không đảm bảo tính khách quan.
Luật sư Bùi Quang Tuấn, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông cho biết, vào ngày 16/10/2019, trong buổi làm việc với TAND huyện Đắk Song, bản thân bà Đỗ Thị Năng khai lô đất rộng 1,4 ha có giá trị là 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai anh em bà Năng (ngày 14/10/2019) chỉ có giá 320 triệu đồng. Đặc biệt, Quyết định công nhận hợp đồng của TAND huyện Đắk Song ngày 21/7/2020 lại công nhận giá trị 1,2 tỷ đồng.
“Theo quy định của pháp luật, một trong những cứ để giải quyết vụ án là kết quả định giá, thẩm định giá trị tài sản. Các bên có quyền thỏa thuận nhưng không trái với đạo đức, pháp luật.
Áp dụng trong trường hợp này, một lô đất có 3 giá khác nhau. Đặc biệt TAND huyện Đắk Song tuyên lô đất trên trị giá 1,2 tỷ đồng hoàn toàn không dựa trên căn cứ nào, dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan”, luật sư Tuấn khẳng định.
Đương sự có lấy được tài sản?
Theo luật sư Nguyễn Thanh Huy, hiện nay đã có căn cứ để xác định Quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (quyết định số 52/2020/QĐST-DS) giữa ông Mạnh và bà Năng của TAND huyện Đắk Song ngày 21/7/2020 là trái pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Yến thì cần phải có Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, hủy bỏ Quyết định công nhận số 52 này.
Bà Yến cần làm đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng VKSND Cấp tại TP. Hồ Chí Minh để các cơ quan này ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm hủy Quyết định.
Từ đó, giao hồ sơ cho TAND huyện Đắk Song thụ lý giải quyết lại vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa ông Mạnh và bà Năng lại từ đầu, đưa bà Yến vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong trường hợp sau khi thụ lý xét xử sơ thẩm lại Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện độc lập của bà Yến, thì khi Bản án có hiệu lực pháp luật, bà Yếu có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án kê biên diện tích đất của bà Năng để đảm bảo thi hành án.