TP.HCM - Bài 3:
Vụ tìm lại 3 căn nhà tại trung tâm: Hợp đồng mượn nhà 37 năm trước thể hiện gì?
(Dân trí) - Hợp đồng mượn nhà từ 37 năm trước thể hiện rõ việc: “Trong trường hợp chủ nhà về công tác tại Việt Nam và cần sử dụng lại căn nhà trên thì Hợp tác xã sẽ giao căn nhà lại cho chủ nhà để được trọn quyền sử dụng”.
Liên quan đến vụ ông Hồ Văn Tín (ngụ quận Tân Bình, người nhận ủy quyền của ông Võ Văn Vĩnh, bà Võ Thị Lan Khai và bà Võ Lan Diệp) trong việc đòi lại 3 căn nhà 207 – 209 – 211 đại lộ Nguyễn Thái Học hiện nay là đường Nguyễn Thái Học (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), Ban Tiếp công dân UBND TP đã có văn bản hướng dẫn công dân gửi đến ông Tín. Theo đó, sau khi nghiên cứu nội dung đơn và tài liệu liên quan, nhận thấy ngày 26/8/2016, UBND TP có Công văn số 8688/VP-NCPC phúc đáp thông tin pháp lý theo yêu cầu của TAND TP.HCM, do đó, Ban Tiếp công dân thành phố đề nghị ông Tín liên hệ trực tiếp với TAND TP để biết kết quả giải quyết.
Hợp đồng mượn nhà ký ngày 19/8/1977 nêu rõ, để phát triển mạng lưới phụ vụ đời sống nhân dân ngày một tốt đẹp, hữu hiệu và có trình độ văn minh thương nghiệp, khách đến mua hàng được thỏa mái. Hợp tác xã Tiêu thụ phường 1, quận 1 (TP.HCM) hiện nay có một cửa hàng tại số 199 – 205 đường Nguyễn Thái Học (do chủ nhà Nam – Đô đã ký hợp đồng cho mượn) nhưng vì hàng hóa ngày càng nhiều nên văn phòng hiện tại trở nên chật hẹp và trong tương lai rất gần Hợp tác xã chúng tôi cần mở rộng thêm nhiều cửa hàng để phục vụ đời sống nhân dân địa phương và Văn phòng Ban quản lý:
Được sự đồng ý của ông và bà Võ Văn Vĩnh; Võ Thị Lan Khai; Võ Lan Diệp; Trần Minh Tánh cho mượn căn nhà số 207 – 209 – 211 đường Nguyễn Thái Học hiện đang bỏ trống tầng trệt và tầng lửng để Hợp tác xã Tiêu thụ phường 17 (quận 1, TP.HCM) sử dụng trong thời gian 3 năm.
Như bên nhà hàng Nam – Đô hợp đồng mượn nhà này là một sự cho mượn không điều kiện và khi hết hạn định trên nếu hai bên không đặt lại vấn đề thì đương nhiên hợp đồng được tái tục.
“Trong trường hợp chủ nhà về công tác tại Việt Nam và cần sử dụng lại căn nhà trên thì Hợp tác xã sẽ giao căn nhà lại cho chủ nhà để được trọn quyền sử dụng”, Hợp đồng mượn nhà thể hiện rõ.
Trong Hợp đồng mượn nhà còn nêu: “Các chủ nhà của căn nhà trên cũng cần chỉ định một người đại diện chính thức để cùng giải quyết những vấn đề hành chính giữa đôi bên khi cần đến và người đại diện chỉ định này nên có nơi cư ngụ thường trú tại Việt Nam”.
Trong báo cáo của Sở Xây dựng TP gửi UBND TP ngày 17/6/2016 cho thấy, qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Văn phòng UBND Q.1 đến thời điểm hiện nay không có hồ sơ căn nhà số 207 – 209 Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Xây dựng cũng xác định, căn cứ Trích lục Sổ điền thổ thuộc về bất động sản số 3225 Sài Gòn – Thái Bình ngày 15/7/1971 của Ty Điền địa Sài Gòn, căn nhà số 207 – 209 – 211 đường Nguyễn Thái Học có nguồn gốc của ông Võ Văn Thiêm và vợ là bà Nguyễn Thị Hoa đứng tên chủ sở hữu. Năm 1977, Ban Quản lý Hợp tác xã tiêu thụ phường 17 (quận 1) ký hợp đồng mượn nhà 3 năm với chủ nhà là ông Võ Văn Vĩnh, bà Võ Thị Lan Khai và bà Võ Lan Diệp. Ông Trần Minh Tánh là người thay mặt ký tên.
Quá trình giải quyết đơn thư của ông Hồ Văn Tín, Sở Xây dựng TP có Công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) hỗ trợ, cung cấp thông tin về số nhà 207 – 209 – 211 Nguyễn Thái Học nhưng đến nay Sở Xây dựng TP vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ Bộ NN&PTNN cung cấp thông tin về việc tiếp quản, sử dụng căn nhà nêu trên của Bộ Thủy sản (cũ) từ sau năm 1975 đến khi Bộ Thủy sản ban hành quyết định sô 117/QĐ-KHĐT ngày 17/3/1997 về việc giao tài sản cố định cho Công ty Thủy sản Khu vực III.
Trong đơn khiếu nại gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM của ông Tín nêu rõ: “Ngày 24/9/1970, vợ chồng ông Thiêm để lại tờ chúc ngôn có ký gửi tại Phòng Chưởng khế Sài Gòn để lại cho các nhiều tài sản, trong đó có 3 căn nhà số 207 – 209 – 211 Nguyễn Thái Học. 3 căn nhà này sau đó được giao cho ông Trần Minh Tánh (hiện đã qua đời, là chồng cũ của bà Lan Khai) trông coi hộ. Thời điểm này, ông Tánh có nhận ông Nguyễn Văn Phước (SN 1965) làm con nuôi và nhập khẩu cho ở cùng trong căn nhà số 211 Nguyễn Thái Học”.
Về “hành trình” đòi lại 3 căn nhà số 207 – 209 – 211 Nguyễn Thái Học, năm 1991, bà Lan Diệp đã gửi đơn đòi lại nhà nhưng không được xem xét giải quyết. Năm 1993, ông Trần Minh Tánh được ủy quyền của 3 người thừa kế gửi đơn xin nhận lại nhà nhưng không được chấp nhận. Năm 2001 đến nay, ông Tín nhận ủy quyền để tiếp tục “hành trình” đòi lại 3 căn nhà cho mượn từ 37 năm trước.
Đáng chú ý, sau khi vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định không có hồ sơ liên quan đến căn nhà số 207 – 209 – 211 đường Nguyễn Thái Học mà chỉ có căn nhà số 211 Nguyễn Thái Học. Theo đó không có văn bản nào liên quan đến việc cấp số nhà này.
Trong quá trình giải quyết đơn thư của ông Tín, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sai phạm trong việc sử dụng căn nhà số 211 Nguyễn Thái Học.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên - Xuân Hinh