Vụ thủng sàn chung cư: Chủ đầu tư có thể phải đối diện 2 án phạt!

(Dân trí) - Cơ quan quản lý xây dựng nếu chấp pháp nghiêm minh, hành pháp tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì chắc hẳn đã không xảy ra những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tính mạng của người dân

Như Dân trí đã thông tin, mặt sàn văn phòng của một công ty ở tòa HH1B chung cư Meco Complex bất ngờ sập, khiến hai người ở trên rơi xuống sảnh tòa nhà, trọng thương.

Sự việc xảy ra lúc 18h ngày 27/3 ở tầng 2 tòa chung cư 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Mặt sàn chung cư bị sập rộng khoảng 10 mét, hai nạn nhân rơi từ độ cao 5 mét. Công an phường Phương Mai đã đến hiện trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân.

Ngày 28/3,  ban đại diện tòa nhà HH1B cho biết vị trí xảy ra sự cố do chủ đầu tư tự cơi nới thêm diện tích bằng tấm ốp nhôm nhựa để cho thuê làm văn phòng. Tuy nhiên không có cảnh báo nên công ty thuê mặt sàn này chất đồ lên, không may sàn bị thủng rồi sập xuống.

Vụ thủng sàn chung cư: Chủ đầu tư có thể phải đối diện 2 án phạt! - 1
Trưởng ban đại diện tòa nhà HH1B cho biết, chủ đầu tư đã cơi nới khoảng 10m2 để cho công ty Bất động sản thuê (ảnh: Trần Thanh).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lí, Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, để làm rõ khu vực cơi nới này có diện tích bao nhiêu, có nằm trong thiết kế được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền hay không thì UBND phường, UBND quận cần phải vào cuộc.

Các cơ quan này cần lập biên bản hiện trạng, ghi nhận hiện trường, buộc chủ đầu tư cung cấp bản thiết kế, giấy phép xây dựng chứng minh tính hợp pháp của diện tích này.

Từ hoạt động này UBND quận Đống Đa nếu nhận thấy đây là phần xây dựng trái phép, nằm ngoài thiết kế được phê duyệt, không có giấy phép cải tạo thì phải xem xét hậu quả để xử phạt hành chính đối với Chủ đầu tư.

Về xử lý hành chính có thể tại khoản 7, điều 15 Vi phạm quy định về trật tự xây dựng, nghị định số 139/2017/NĐ-CP: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Về trách nhiệm hình sự: Cơ quan cảnh sát điều tra cần tiếp nhận sự việc, giám định thương tật, tổn hại sức khỏe của hai nạn nhận mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% thì có yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 298. Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

  1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  2. a) Làm chết người;
  3. b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  4. c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

Hiện nay tình trạng Chủ đầu tư cơi nới, xây dựng sai phép, trái phép, chiếm dụng không gian sử dụng chung diễn ra rất phổ biến. Cư dân, Ban quản trị các chung cư có rất nhiều đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét xử lý. Tuy nhiên đơn thư phản ánh thì nhiều nhưng việc xử phạt hành chính không đáng kể.

Cơ quan quản lý xây dựng như UBND các cấp nếu chấp pháp nghiêm minh, hành pháp tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình thì chắc hẳn đã không xảy ra những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tính mạng của người dân như đã và đang xảy ra.