Vụ thu 4,5 triệu đồng công chế biến 18kg hải sản: Thấy đắt sao còn thuê?

Hải Hà

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng, phụ phí 4,5 triệu cho 18kg hải sản là quá rẻ! Ở các thành phố lớn, khi đem một chai rượu vào nhà hàng, chỉ mượn 4 cái chén đã phải trả phí 500 ngàn.

Sự việc đoàn khách 48 người đem 18kg hải sản vào một nhà hàng tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) nhờ chế biến, sau khi ăn xong đã "tố" nhà hàng khi bị tính phí phụ thu 4,5 triệu đồng đang thu hút sự quan tâm của độc giả Dân trí. Bình luận (comment) về bài viết, đại đa số bạn đọc bày tỏ sự bất bình với nhóm khách trên.

"Nếu thấy đắt, sao không từ chối từ đầu?"

Theo đó, bạn đọc Tuan Vu Duc cho rằng "18kg hải sản chia ra khoảng 4 bàn ăn. Tính nhanh công chế biến hơn 2 triệu, tiền phục vụ 2 triệu. Làm nhà hàng người ta lãi tý nguyên liệu đầu vào, ông mang đồ ăn tới thuê người ta làm, thuê người phục vụ, thuê chỗ ngồi. Hơn nữa, nhà hàng và khách đã thỏa thuận trước rồi, đồng ý xong lại đi khiếu nại như này cũng không hay lắm. Nếu thấy đắt sao không từ chối từ đầu?".

Cho rằng người "bóc phốt" hãy đặt mình vào vai trò của nhà hàng trước khi lên tiếng, bạn đọc Linh Phạm viết: "Đoàn khách vào gọi mỗi cơm trắng, canh và nước uống, xong mang 18kg hải sản thuê chế biến thì 250 ngàn/1kg cũng hợp lý chứ. Tiền chỗ ngồi, điện, nước, dùng dịch vụ, công chế biến, gas, phí rửa dọn bàn ghế, bát đĩa, nhân công, rồi còn mất cơ hội của nhà hàng khi hết chỗ để cho các khách khác vào nữa… tính kỹ thì làm gì quá đáng đâu. Hơn nữa đã có sự đồng thuận trước lúc thuê cơ mà?".

Vụ thu 4,5 triệu đồng công chế biến 18kg hải sản: Thấy đắt sao còn thuê? - 1

Khách phản ánh mức phí phụ thu 4,5 triệu đồng cho 18kg hải sản là quá cao (Ảnh: A.X.).

So sánh với phí phục vụ mang rượu vào nhà hàng, độc giả Ngô Đức cho rằng đây là giá quá rẻ: "4,5 triệu tiền công chế biến cho 18kg hải sản để phục vụ cho cả một đoàn người là quá rẻ rồi, còn đòi gì nữa. Ở các thành phố lớn bạn cứ thử đem một chai rượu bé bằng cổ tay vào nhà hàng xem, chỉ mượn 4 cái chén rót 5 lượt, xong trả phí 500 ngàn ngay. Qua việc này tốt nhất nhà hàng nên đề biển "không chế biến thực phẩm khách mang đến" cho nó lành".

"Cũng phải tùy thuộc vào chất lượng hải sản nhờ chế biến. Nếu 18kg nghêu thì giá hơi chát; nhưng nếu 18kg hải sản đó là bào ngư, cua Alaska, tôm hùm... thì giá đó quá rẻ luôn", độc giả Vũ Hùng nêu ý kiến.

Từng kinh doanh nhà hàng, bạn đọc Hồng Quân cho biết: "Thực tế số tiền phụ thu này, nhà hàng không lãi nhiều bởi khi chế biến số hải sản khách mang vào thì nhân viên phải rửa sạch, lựa những con chết không dùng được bỏ ra. Sau khi chế biến xong, nhà hàng phải bố trí thêm nước chấm của mình cho khách dùng. Một lần vận hành bếp núc, tiền công bếp, hệ thống máy lạnh, nhân viên phục vụ cho đoàn 48 người rất tốn kém".

Nói thêm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, khách hay nhà hàng sẽ phải chịu trách nhiệm, độc giả Đức Mùi nêu quan điểm: "Nếu không may du khách mang đồ ở ngoài vào không đảm bảo chất lượng, xảy ra sự cố ngộ độc thì hiển nhiên nhà hàng lãnh hết, số tiền phụ thu không thấm vào đâu. Lúc đó làm sao có thể đổ lỗi cho khách được chứ? Các vị khách này chỉ muốn ăn ngon bổ rẻ và làm không công thì mới chịu ư? Đề nghị quản lý chặt hình thức phản ánh và xử phạt thật nặng theo kiểu câu like như này".

Phản ánh sai sự thật ảnh hưởng uy tín nhà hàng, thực khách có bị phạt?

Khi khách hàng tố nhà hàng chặt chém, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử phạt nhà hàng. Vậy khi khách hàng "bóc phốt" sai sự thật, nhưng lại ảnh hưởng đến uy tín của nhà hàng thì có bị xử phạt không? 

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng theo quy định, việc cố tình "bóc phốt" không đúng là hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022) quy định: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Do đó, theo luật sư Xuyến không chỉ người đưa nội dung tố cáo sai lên mạng xã hội bị xử lý mà người chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc... cũng sẽ bị xử lý. Ngoài ra, chủ quán ăn hoàn toàn có thể tố cáo ngược lại hành vi của khách hàng. Đây cũng là việc cần làm để tránh việc lợi dụng mạng xã hội, đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến người khác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm