Vụ thai phụ bị bạo hành: Vết thương đã lành có ảnh hưởng kết quả giám định?
(Dân trí) - Độc giả băn khoăn, hiện nhiều vết thương của thai phụ đã được chữa khỏi, mức độ thương tích có thể sẽ bị giảm so với thời điểm chị G bị bạo hành. Điều này có ảnh hưởng đến việc luận tội người chồng?
Như đã đưa tin, theo kết quả giám định của cơ quan công an, chị B.T.T.G. - người vợ bị chồng bạo hành khi đang mang bầu 7 tháng ở huyện Kim Thành (Hải Dương) - có tỷ lệ thương tật là 29%.
Cơ quan công an đã trưng cầu giám định tổng cộng 205 vết thương trên cơ thể chị G.
Theo kết luận giám định tổn thương của Trung tâm Pháp y Hải Phòng, trên cơ thể thai phụ này có 32 vết bỏng da vùng mặt, vết dài nhất 7cm; 5 vết bỏng da vùng ngực, vết dài nhất 8cm; 8 vết bỏng da vùng lưng, thắt lưng, vết dài nhất 12cm; 3 vết bỏng da vùng vai, vết dài nhất 10cm; 9 vết bỏng da vùng tay, vết dài nhất 9cm; 5 vết bỏng da vùng đùi, vết dài nhất 1cm; 45 vết xước da vùng lưng, vùng thắt lưng, vết dài nhất 7cm; 5 vết xước da vùng vai, vết dài nhất 7,3cm; 23 vết xước da vùng tay, vết dài nhất 4cm; 70 vết xước da, bầm tím vùng mông, đùi, chân, vết dài nhất 12cm.
Trước thông tin trên, độc giả Dân trí bày tỏ sự xót xa, đồng thời cũng chia sẻ, động viên thai phụ B.T.T.G., mong chị sớm vượt qua nỗi đau để làm lại cuộc đời. Một số độc giả băn khoăn: chị G. đã bị bạo hành nhiều lần, những vết thương cũ lại không được giám định trong khoảng thời gian trên và nay một số thương tích mà Luân gây ra cho chị đã được chữa trị khỏi, một số khác để lại sẹo trên cơ thể. Do vậy, mức độ có thể sẽ bị giảm so với thời điểm chị G bị bạo hành và điều này có ảnh hưởng đến việc luận tội người chồng?
Những vết thương cũ đã được chữa lành có ảnh hưởng đến kết quả giám định?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021, thì thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định không quá 09 ngày đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 4 Điều 206 của Bộ luật này: "Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động".
Nếu hết thời hạn này mà người bị hại chưa tiến hành thủ tục giám định thì cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự.
Về băn khoăn của độc giả, luật sư cho biết theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT -BYT thì "3. Tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định". Như vậy, cơ quan chức năng vẫn sẽ căn cứ vào thời điểm hiện tại để tiến hành giám định thương tích cho chị G.
Ngoài kết luận giám định thương tật, để có cơ sở truy tố đối với đối tượng Luân, cơ quan chức năng cũng sẽ căn cứ vào tình tiết định khung tăng nặng người phạm tội "đối với phụ nữ biết là có thai" (hiện tại chị G. đã mang thai tháng thứ 7) theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Hơn nữa, hành vi bạo hành của Luân đã diễn ra trong một thời gian dài, do đó, phía công an huyện Kim Thành cũng cần làm rõ hành vi của Luân có thuộc trường hợp "phạm tội hai lần" hay không để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Luật sư chia sẻ thêm, trên cơ thể con người, bộ phận nào cũng có thể bị gây thương tích, tùy vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương, cơ địa của người bị các tổn thương đó, có khi ổn định, tốt lên hoặc xấu đi. Vì vậy, kết luận tổn hại sức khỏe tại thời điểm khám giám định mà căn cứ vào các triệu chứng trước đó được ghi trong hồ sơ, bệnh án là không phù hợp, không chính xác, sẽ xảy ra trình trạng khiếu kiện của bị can, yêu cầu giám định lại của người tham gia tố tụng, cơ quan tố tụng, có khi của chính bị hại.
Hơn nữa, quyết định trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng thường có nội dung yêu cầu: xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe là vĩnh viễn hay tạm thời, xác định cơ chế gây thương tích, xác định vật gây thương tích.
Do đó, không thể căn cứ vào hồ sơ cách đây hàng tháng, hàng năm, có vụ nhiều năm để đưa ra kết luận được. Giám định viên chỉ kết luận những gì họ khám giám định thực tế và được sự hỗ trợ cận lâm sàng tại thời điểm giám định.