Bình Dương:
Vụ tận thu mỏ đá Tân Đông Hiệp: Đã khai thác hết quy chuẩn!
(Dân trí) - UBND tỉnh Bình Dương cho rằng với diện tích 46ha tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp mà 4 Công ty đang khai thác đến độ sâu âm 120m thì đã hết quy chuẩn. Phương án cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái theo đúng đề án được phê duyệt cũng sẽ được tỉnh Bình Dương giám sát chặt chẽ.
Liên quan đến việc ồ ạt khai thác tận thu mỏ đá Tân Đông Hiệp trước ngày "hết phép", ngày 28/3, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã thông tin với PV Dân trí xoay quanh những vấn đề này.
Ông Dũng thông tin, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có từ năm 1993, trước khi luật Khoảng sản ra đời và tồn tại cho đến hôm nay. Năm 2014 tỉnh có phê duyệt quy hoạch khai tác mỏ đá Tân Đông Hiệp có diện tích 46ha và được khai thác đến độ sâu âm 100m và đến 31/12/2015 thì hết phép.
Tháng 4/2015, các công ty Công ty Công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty cổ phần Trung Thành, Công ty cổ phần xây dựng Bình Dương (MC) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 3/2 (tất cả đều có trụ sở Bình Dương) có đề nghị khai thác xuống âm 120m và xin gia hạn đến tháng 12/2017. Sau khi thăm dò và các cơ quan chức năng thì UBND tỉnh Bình Dương đồng ý.
Trước những thông tin phản ánh về Ban quản lý mỏ đá Tân Đông Hiệp đang vận động người dân đồng ý để xin gia hạn đến năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng: "Việc Ban quản lý mỏ đá đi vận động người dân để được gia hạn đến năm 2019 thì tỉnh không có chủ trương cho làm việc đó. Theo tiêu chuẩn VN độ rộng 46h thì khai thác đến độ sâu âm 120m là hết rồi. Đây là khu đô thị hóa rất cao nên việc gia hạn thêm hay không cũng phải xem xét".
"Việc doanh nghiệp phải làm ngày bây giờ là xây dựng phương án cải tạo, xây dựng khu du lịch sinh theo đúng đề án được phê duyệt, đến cuối năm 2017 thực hiện luôn. Tôi sẽ chỉ đạo cho kiểm tra nghiêm ngặt xem việc nổ mìn có đúng giờ, đúng quy trình không. Không để xảy ra ô nhiễm môi trường, việc này sẽ giao lại cho UBND thị xã Dĩ An và phường Tân Đông Hiệp giám sát những cam kết của công ty khi họ xin gia hạn", ông Dũng khẳng định.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hoạt động khai thác đá ở cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp vẫn diễn ra tấp nập, bụi vẫn bay mù mịt mặc dù được tưới nước trên đường thường xuyên dẫn đến tình trạng trời không mưa nhưng đường xá vẫn nhơ nhớp bẩn. Để giải quyết vấn đề này với người dân, Ban Quản lý mỏ Tân Đông Hiệp là công ty cổ phần khoáng sản và xây dựng bình Dương đã đứng ra thương lượng chấp nhận hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường hàng tháng cho người dân từ 20.000-500.000 đồng/hộ/tháng.
Ông Nguyễn Văn Út, Trưởng khu phố Đông An (P.Tân Đông Hiệp) cho biết ở khu phố Đông An có 360 hộ bị ảnh hưởng và được hỗ trợ tiền hàng tháng tùy theo mức độ gần hay xa. Đáng chú ý ông Út cho biết: “Vừa qua Ban quản lý mỏ tiếp tục đề nghị nâng mức hỗ trợ cho người dân để xin phép gia hạn khai thác đến hết năm 2019. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cũng không chấp nhận vì không thể chấp nhận ô nhiễm”.
Ông Út nói thêm: “Những hộ ở gần thì bị ảnh hưởng của bụi, nếu bây giờ khai thác tiếp thì lo ngại nhất là ảnh hưởng của dung lắc do nổ mìn”.
Tương tự, ông Trưởng khu phố Tân An (P.Tân Đông Hiệp) cũng cho biết nhiều hộ dân ở khu phố Tân An được hỗ trợ 800.000 đồng tiền ô nhiễm môi trường trong 3 tháng và hiện nay Ban quản lý mỏ Tân Đông Hiệp đang đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 1,2 triệu đồng trong 3 tháng/hộ để tiếp tục xin gia hạn đến hết năm 2019, nhưng có nhiều hộ dân không chấp nhận.
Ông Nguyễn Thanh Hải (người dân kinh doanh gần mỏ đá Tân Đông Hiệp) bức xúc: “Tôi hoàn toàn không biết gì về các khoản hỗ trợ. Hiện nay bãi tập kết đá đã tiến sát nhà tôi. Từ nhiều năm nay kinh doanh buôn bán ế ẩm do quá ô nhiễm bụi. Chán nản tôi cũng không muốn đầu tư thêm để làm gì”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Trung Kiên