Vụ tai nạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn: 2 tài xế cùng có lỗi, xử lý ra sao?
(Dân trí) - Theo các luật sư, từ báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng, cả 2 tài xế đều có yếu tố lỗi trong vụ tai nạn và có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Khoảng 19h40 ngày 10/3, xe khách do tài xế Lê Hoàng Quân (51 tuổi, quê Đắk Nông) điều khiển theo hướng Bắc - Nam va chạm với xe đầu kéo do anh Phan Đình Thành điều khiển, dừng ở bên đường. Vụ tai nạn làm 2 người tử vong, 7 người khác trên xe khách bị thương.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xe đầu kéo bị nổ lốp, phải dừng đỗ ở giữa đường nhưng ông Quân đã không chú ý quan sát dẫn tới tai nạn giao thông. Về phía tài xế Thành, người này cũng mắc lỗi khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định.
Với những lỗi vi phạm nêu trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, 2 tài xế có thể chịu trách nhiệm ra sao theo quy định của pháp luật?
Xe nổ lốp, xử lý ra sao cho chuẩn mực?
Bình luận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Từ vụ va chạm, cơ quan chức năng sẽ cần đánh giá một cách cẩn trọng, khách quan và toàn diện trách nhiệm của những người liên quan, mà cụ thể trong trường hợp này là 2 tài xế Lê Hoàng Quân và Phan Đình Thành.
Về phía tài xế container, trích dẫn quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về dừng đỗ xe, luật sư cho biết người điều khiển phương tiện khi dừng đỗ xe phải chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định như phải có đèn tín hiệu báo cho người khác biết; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi của mình; phải chèn bánh trên đoạn đường dốc hay nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…
Về vị trí dừng đỗ, theo khoản 4 Điều này, người lái xe không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong, gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe hay che khuất biển báo hiệu đường bộ…
Trong trường hợp xe gặp sự cố kỹ thuật bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường thì người điều khiển bắt buộc phải bật đèn khẩn cấp để cảnh báo các phương tiện khác, đồng thời nhanh chóng liên lạc các đơn vị cứu hộ để di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn, tắc giao thông.
Như vậy, có thể hiểu cơ bản rằng nếu dừng đỗ xe trên đường, trong trường hợp gặp sự cố bất ngờ thì tài xế cần thực hiện các thao tác cơ bản bao gồm bật đèn khẩn cấp để cảnh báo; tuân thủ đầy đủ quy định về vị trí dừng, đỗ phương tiện và cần đặt biển cảnh báo ở một khoảng cách tiêu chuẩn, kết hợp với việc sử dụng các loại tín hiệu khác như rọi đèn pin, sử dụng các thiết bị phát sáng... để cảnh báo cho các phương tiện lưu thông trên đường.
Áp dụng các quy định pháp luật vào vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, ông Giáp nhìn nhận kết quả xác minh ban đầu thể hiện ô tô bị nổ lốp, dẫn tới việc phải dừng đỗ giữa đường. Khi đó, vấn đề đầu tiên cần xác minh là vị trí, thời điểm xảy ra sự kiện bất ngờ và mức độ nghiêm trọng của việc nổ lốp có khiến phương tiện bắt buộc phải đứng yên trên đường, không thể tiếp tục di chuyển để áp sát vào lề phải đường hay không.
Thứ hai, trong trường hợp phương tiện không thể di chuyển, bắt buộc phải dừng và lấn chiếm phần đường xe chạy, cần làm rõ tài xế đã xử lý tình huống ra sao, đã tuân thủ các nguyên tắc cơ bản bao gồm bật đèn khẩn cấp; đặt biển cảnh báo ở một khoảng cách phù hợp và liên lạc với các đơn vị cứu hộ hay chưa.
Từ kết quả xác minh đối với những vấn đề cơ bản này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc cảnh báo như vậy đã phù hợp quy chuẩn hay chưa, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế Thành.
Trong trường hợp lực lượng chức năng kết luận người này đã không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xử lý khi xe gặp sự cố trên cao tốc và có yếu tố lỗi dẫn tới vụ tai nạn đau lòng, ông Thành có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Trách nhiệm của tài xế xe khách ra sao?
Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn) có chung quan điểm cho rằng đối với tài xế container, cần làm rõ người này đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xử lý tình huống, giải quyết sự cố khi phương tiện gặp trục trặc, phải đứng yên trên đường hay chưa. Đây sẽ là cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý của người này.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng không thể bỏ qua vấn đề trách nhiệm của tài xế xe khách là ông Lê Hoàng Quân. Cụ thể, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ông Quân đã không chú ý quan sát nên khi gặp chướng ngại vật trên đường không kịp xử lý, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Từ báo cáo sơ bộ này, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục khai thác, làm rõ nhiều vấn đề liên quan như vận tốc phương tiện tại thời điểm trước va chạm là bao nhiêu, khoảng cách từ khi tài xế Quân phát hiện chướng ngại vật tới khi va chạm là bao xa, người này đã xử lý như thế nào, đã phải là phương án tối ưu nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại hay chưa?
Trường hợp xác định ông Quân thiếu quan sát khi lưu thông, dẫn tới việc xử lý không đảm bảo an toàn khi phát hiện container dừng đỗ, người này cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Bên cạnh đó, do ô tô không có tín hiệu dữ liệu hành chính, người này còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ dân sự, hai tài xế có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm cho những bị hại và những người có liên quan, căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Hoàng Diệu