Vụ tai nạn 5 người chết: Tài xế container có phải chịu trách nhiệm không?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là việc tài xế container có vi phạm nguyên tắc khi đỗ xe không, và nếu có, đây có phải là một phần nguyên nhân gây ra tai nạn chết người hay không.

Như đã đưa tin, rạng sáng 31/10, xe 16 chỗ do tài xế Quách Đình Trọng (ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển đâm vào phần đuôi trái của xe đầu kéo BKS 98C-016.45 rồi văng sang bên trái đường, tiếp tục va chạm với xe đầu kéo khác do anh Nguyễn Thành Bảo (27 tuổi, quê Bình Định) điều khiển. Vụ tai nạn khiến 5 người tử vong, 10 người bị thương. Tài xế Trọng đang bị tạm giữ để xác minh hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đối với tài xế container, người này cho biết do xe bị hỏng máy nên phải dừng bên phải đường. Trước vụ tai nạn, tài xế đã bật đèn tín hiệu và chặt một số cành cây đặt cách đó khoảng 16 m để cảnh báo các phương tiện khác.

Trường hợp này, tài xế container có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không là điều mà nhiều độc giả Dân trí quan tâm.

Vụ tai nạn 5 người chết: Tài xế container có phải chịu trách nhiệm không? - 1

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: công an cung cấp).

Nguyên tắc cần tuân thủ khi dừng xe

Giải đáp băn khoăn của độc giả Dân trí, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, đây là vụ tai nạn đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài trách nhiệm của tài xế Trọng, để đánh giá một cách khách quan và toàn diện, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò của tài xế xe container dừng bên đường trong vụ án này.

Trích dẫn quy định về dừng đỗ xe tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008, ông Tuấn cho biết người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định như phải có đèn tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi của mình; phải chèn bánh trên đoạn đường dốc hay nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…

Theo Điều 15 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo là nhóm biển báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường để chủ động phòng ngừa kịp thời. Biển chủ yếu có hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu.

Về nguyên tắc đặt biển báo nguy hiểm, nếu trên đoạn đường có tốc độ xe trung bình là dưới 20 km/h thì khoảng cách từ nơi đặt biển đến chỗ định báo là dưới 50m. Khi tốc độ ở mức 20-35 km/h, khoảng cách là 50-100 m, ở mức 35-50 km/h là 100-150 m còn trên 50 km/h thì khoảng cách là 150-250 m.

Về vị trí dừng đỗ, theo khoản 4 Điều này, người lái xe không được dừng, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong, gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe hay che khuất biển báo hiệu đường bộ…

Trong trường hợp xe gặp sự cố kỹ thuật bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường thì người điều khiển bắt buộc phải bật đèn khẩn cấp để cảnh báo các phương tiện khác, đồng thời nhanh chóng liên lạc các đơn vị cứu hộ để di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn, tắc giao thông.

Như vậy, nếu xe dừng, đỗ trên đường trong trường hợp gặp sự cố bất ngờ thì tài xế phải bật đèn khẩn cấp để cảnh báo và tuân thủ đầy đủ quy định về dừng, đỗ phương tiện. Ngoài ra, nếu xe dừng đỗ chiếm một phần làn đường xe chạy, cần đặt biển cảnh báo ở khoảng cách đạt tiêu chuẩn để cảnh báo các phương tiện khác.

Trường hợp này, tài xế khai khi dừng xe đã bật cảnh báo, chặt cành cây và đặt cách xe khoảng 16 m để cảnh báo các phương tiện khác. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục xác minh, làm rõ việc cảnh báo như vậy đã phù hợp quy chuẩn về cảnh báo hay chưa để xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của tài xế này.

"Xem xét thêm trách nhiệm tài xế container là hoàn toàn hợp lý"

Còn luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc xác minh thêm vai trò, trách nhiệm của tài xế container là hoàn toàn hợp lý, đúng quy định nhằm đánh giá chính xác, toàn diện, tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Vụ tai nạn 5 người chết: Tài xế container có phải chịu trách nhiệm không? - 2

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: công an cung cấp).

Nói về tình huống này, ông Giáp cho biết theo quy định về dừng đỗ xe, tài xế đã chấp hành việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi dừng xe. Còn về việc đặt biển cảnh báo, cơ quan điều tra cần tiếp tục làm rõ xem người này có đặt biển cảnh báo đúng quy định về vị trí đặt, khoảng cách tính từ xe hay không, vật cảnh báo đã đạt tiêu chuẩn, có thể cảnh báo hay chưa. Ngoài ra, do đây là đường 2 chiều, cần xác định người này có tuân thủ quy định về việc đặt cảnh báo ở cả trước và sau xe hay không.

"Sự việc có dấu hiệu của việc cản trở hoặc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nhưng ở thời điểm này, còn quá sớm để quy kết trách nhiệm pháp lý cho lái xe container. Nếu kết quả xác minh cho thấy tài xế này thực sự có những thiếu sót, vẫn cần củng cố, phân tích, xâu chuỗi các chứng cứ để làm rõ có hay không mối quan hệ nhân quả giữa việc dừng đỗ này với nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn", luật sư Giáp bình luận.

Về chế tài hành chính, trong trường hợp hành vi dừng xe bị cơ quan chức năng xác định là một phần nguyên nhân dẫn tới tai nạn, mức phạt áp dụng là phạt tiền 6-8 triệu đồng, căn cứ khoản 7, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Về chế tài hình sự, nếu việc dừng đỗ xe dẫn tới tai nạn chết người, người điều khiển phương tiện có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu