Góc nhìn pháp lý vụ ô tô Camry gây tai nạn khiến 3 người thương vong

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu cơ quan chức năng xác định lỗi thuộc về người điều khiển xe Camry thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Sự việc ô tô Camry gây tai nạn do mất lái lao thẳng lên vỉa hè Hà Nội, đâm vào 03 người đang uống trà đá khiến 02 người bị thương và 01 người tử vong đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Góc nhìn pháp lý vụ ô tô Camry gây tai nạn khiến 3 người thương vong - 1

Hiện trường vụ xe Camry đâm 3 người uống trà đá trên vỉa hè Hà Nội (Ảnh: Hoàng Chinh).

Qua kiểm tra ban đầu xác minh người lái xe không có nồng độ cồn và âm tính với ma túy. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, xem xét kỹ lưỡng thêm để đưa ra kết luận liệu hành vi của người điều khiển ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại cả về tính mạng, sức khỏe và tài sản, do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân của vụ việc để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần xác định các thông tin như: danh tính của người điều khiển ô tô, người này khi điều khiển xe có mang theo giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm, bảo hiểm xe hay không,... cũng như xác định xem thời điểm gây tai nạn, người lái xe có ở trong tình trạng tỉnh táo, đủ khả năng nhận thức và điều khiển xe hay không.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của xe ô tô để xác định việc chiếc xe ô tô bị mất lái và gây tai nạn là do bộ phận kỹ thuật của xe bị hỏng hóc, không đảm bảo an toàn hay do nguyên nhân chủ quan của tài xế.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định lỗi thuộc về người điều khiển xe ô tô, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. 

Đối với người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết người và gây thiệt hại về tài sản (cột đèn, cửa cuốn người dân…), có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, căn cứ tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017. 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, kể cả trong trường hợp lỗi thuộc về người lái xe hay lỗi hỏng hóc kỹ thuật, người lái xe (người gây tai nạn) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong đó, người gây tai nạn phải bồi thường cho 02 nạn nhân bị thương bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

Đối với 01 nạn nhân đã tử vong, người gây tai nạn cần bồi thường các chi phí như thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 nêu trên; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại khoản 1 Điều 591 Bộ luật này. Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường các chi phí tổn thất tinh thần theo quy định tại Bộ luật dân sự hiện hành.

Thêm vào đó, người gây tai nạn cần phải bồi thường đối với các tài sản bị thiệt hại gây ra trong vụ tai nạn như cột đèn, cửa cuốn của người dân…