Vụ nổ súng ở Thái Nguyên: Nghi phạm tự sát, vụ án có khép lại?

Khả Vân

(Dân trí) - Dư luận đặt câu hỏi, nghi phạm sau khi gây án xong lại tự sát thì vụ án có khép lại không? Trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân được thực hiện thế nào?

Như Dân trí đã đưa tin, vào 9h50 sáng 15/2, trong lúc ông L.V.T. và bà P.T.Đ. (xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang xây tường rào cho gia đình con trai thì bị Lê Văn Hữu đứng trên tầng 2 nhà Hữu cầm súng bắn. 

Hậu quả, ông T. tử vong tại chỗ; bà Đ. bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Sau khi nổ súng bắn vợ chồng ông T. thương vong, Hữu liền dùng súng tự sát.

Dư luận đặt câu hỏi, nghi phạm sau khi gây án xong lại tự sát thì vụ án có khép lại không? Theo thông tin ban đầu thì Hữu và các nạn nhân có mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền bạc, số nợ này cả chủ nợ lẫn con nợ đều tử vong thì người nhà con nợ có phải trả thay? Trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân được thực hiện thế nào?

Vụ nổ súng ở Thái Nguyên: Nghi phạm tự sát, vụ án có khép lại? - 1

Hiện trường vụ nổ súng xảy ra vào sáng 15/2 (Ảnh: Hữu Được).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết trong trường hợp nghi phạm là người duy nhất gây án và đã tử vong, căn cứ Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), vụ án sẽ không được khởi tố. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản Điều 230 BLTTHS.

Tuy nhiên, gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu những người thừa kế của hung thủ bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm đến tính mạng.

Khi đó, nghi phạm sẽ phát sinh quyền thừa kế tài sản cho những người hưởng thừa kế (thường sẽ là vợ, con, cha, mẹ...). Những người này có trách nhiệm thực hiện bồi thường thiệt hại trong phạm vi tài sản mà hung thủ để lại, căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Còn trong trường hợp hung thủ gây án đã chết nhưng vụ án xác định còn người chủ mưu, giúp sức hay xúi giục, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân, các đối tượng trong vụ án sẽ phải thanh toán các khoản: Chi phí cứu chữa nạn nhân trước khi chết, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần không quá 100 tháng lương tối thiểu.

Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng, theo đó nếu các bên không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa là 149 triệu đồng.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ căn cứ vào những thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định nêu trên, đồng thời cũng phụ thuộc vào năng lực bồi thường của hung thủ gây án. Trường hợp người gây án đã chết mà không có tài sản thì thiệt hại thuộc hoàn toàn về phía gia đình nạn nhân.