Tuyên Quang:

Vụ nhiều bị cáo đồng loạt kêu oan: Toà lại hoãn, nhiều tình tiết cần được làm rõ

(Dân trí) - Ngày 22/04/2015, vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” (với các bị cáo: Lê Thị Thanh Xuân (Tuyên Quang), Nguyễn Văn Tuấn (Hải Phòng) và Nguyễn Quốc Toàn (Hải Phòng) kéo dài đã ba năm với sự kêu oan liên tục của tất cả các bị cáo lại tiếp tục hoãn xét xử, dù trước đó lịch xét xử này đã được TAND TP Tuyên Quang thông báo tới các bị cáo và những người liên quan.

Có lẽ, điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án không chỉ do tính chất phức tạp và nội dung uẩn khúc của vụ án, mà còn ở chính việc vụ án được đưa ra xét xử rất nhiều lần, trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng rất nhiều lần nhưng vẫn chưa thể làm rõ được sự thật khách quan, đặc biệt là hành vi “đòi nợ thuê” và tình tiết cưỡng đoạt 100 triệu đồng của các bị cáo trong vụ án này.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã đưa ra những phân tích cụ thể: “Không hiểu căn cứ vào hành vi, lời nói cũng như mục đích nào của ông Tuấn mà Cơ quan CSĐT đã khởi tố ông Tuấn về hành vi Cưỡng đoạt tài sản?

Và một điều khác cũng rất khó hiểu nhất là việc bà Xuân - một người không hề biết có sự việc xảy ra ở nhà bà Tuyên, không có mặt tại hiện trường nhưng cũng bị bắt và quy kết cho là đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Luật sư Trương Quốc Hoè: Nhiều tình tiết trong vụ án có dấu hiệu oan sai cần được làm rõ.
Luật sư Trương Quốc Hoè: Nhiều tình tiết trong vụ án có dấu hiệu oan sai cần được làm rõ.

Có thể thấy, hoàn toàn không có việc đòi nợ thuê, không có hành vi đe doạ dùng vũ lực cũng như hành vi cưỡng đoạt tài sản trong vụ án này, bởi các căn cứ sau:

Thứ nhất, bà Xuân quen ông Tuấn qua cháu gái tên Linh, trong một lần bà Xuân đi chào bán đất để trả nợ cho khoản vay mà bà Xuân còn nợ chưa trả được do toàn bộ số tiền bà Xuân có đã bị bà Tuyên nợ lại chưa trả từ rất lâu, còn ông Tuấn thì đi lễ cùng một số anh em, bạn bè. Qua câu chuyện trong giờ ăn cơm trưa, bà Xuân mới kể cho ông Tuấn nghe việc bà Tuyên mãi không trả tiền vay mình, từ đó mới dẫn đến việc ông Tuấn nhận lời giúp đỡ bà Xuân đòi lại số tiền này. Có thể thấy, để thu hồi lại số tiền đã cho vay, bà Xuân hoàn toàn có thể tự mình thực hiện việc thu hồi cũng như có thể ủy quyền cho người khác thu hồi cho mình. Việc ủy quyền này hoàn toàn không trái với tinh thần của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa khi nhờ ông Tuấn thu hồi giúp mình số tiền này, bà Xuân không hề bàn bạc về cách thức, phương pháp thực hiện nên bà Xuân hoàn toàn không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hành vi mà ông Tuấn đã thực hiện. Vậy làm sao có thể khẳng định rằng có hành vi Đòi nợ thuê ở đây?

Thứ hai, tại các bản Kết luận điều tra cũng như Cáo trạng đều khẳng định ông Tuấn có hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với vợ chồng bà Tuyên, ông Khoa nhằm ép họ trả tiền. Tuy nhiên, qua những chi tiết đã nêu trong bản Cáo trạng có thể thấy, hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” của ông Tuấn không xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ xuất hiện khi ông Khoa có hành vi sử dụng vũ lực trước đối với ông Tuấn. Cụ thể, khi ông Tuấn đến nhà, bà Tuyên đi vắng chưa về, ông Tuấn còn ngồi uống nước và nói chuyện với ông Khoa, đợi cho đến khi bà Tuyên về và nói chuyện, sau đó thì hai bên mới bắt đầu to tiếng. Ông Khoa thách thức lại nên ông Tuấn đã chồm người lên định túm cổ áo ông Khoa nhưng do ông Khoa ngồi ở phía bên kia bàn nên ông Tuấn không với tới được. Khi vợ chồng ông Khoa   hoán người làm trong nhà:“chúng mày lên hết đây, trói chúng nói lại để báo công an” rồi chỉ đạo sập cửa cuốn xuống thì ông Tuấn mới vùng chạy ra ngoài, lấy khẩu súng đồ chơi đứng ngoài chửi bới đe doạ nhằm giải thoát cho em trai mình. Khi thấy cửa cuốn đã hạ xuống ông Tuấn đã lái xe về. Diễn biến câu chuyện cho thấy hoàn toàn không có bất cứ hành vi, lời nói gì thể hiện là “sẽ dùng vũ lực” đối với vợ chồng ông Khoa bà Tuyên, chưa kể trong nhà ông Khoa có rất nhiều người làm, thậm chí khi ông Tuấn chạy vội ra ngoài, cửa cuốn đang hạ xuống đã sạt cả vào đầu ông Tuấn. Như vậy có thể thấy, hành vi “túm áo” hay chạy ra xe ô tô lấy súng đồ chơi để dọa của ông Tuấn không phải nhằm mục đích đòi nợ, chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm mục đích tự vệ, chỉ phát sinh khi bị ông Khoa đe doạ.

Bản Kết luận điều tra cho rằng ông Tuấn mang theo và sử dụng khẩu súng ngắn “đồ chơi mang tính bạo lực” để đe dọa, uy hiếp nhằm cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng bà Tuyên. Tuy nhiên, theo kết quả giám định tại Bản Kết luận giám định số 1776/C54(P3) của Viện khoa học hình sự - Tổng cục cảnh sát PCTP ngày 21/07/2011 thì khẩu súng mà ông Tuấn mang theo là súng đồ chơi, được mô tả “là súng bắn các viên nhựa (hoặc viên bi tròn) bằng lực đẩy của lò xo - không thuộc các danh mục vũ khí và khi bắn không có khả năng gây sát thương”. Mặt khác, khi đến đòi nợ nhà bà Tuyên thì ông Tuấn cũng không hề mang khẩu súng này ra đe dọa, uy hiếp tinh thần của vợ chồng bà Tuyên, mà chỉ sau khi ông Khoa gọi người nhà lên “trói chúng nó lại để báo công an” và bà Tuyên ra lệnh cho người nhà hạ cửa cuốn xuống, ông Tuấn mới chạy ra xe ô tô của mình lấy một khẩu súng đồ chơi giơ ra dọa ông Khoa (lúc này đang ở trong nhà và được bảo vệ bởi cửa cuốn). Hành vi ông Tuấn cầm súng giả đe dọa là nhằm mục đích giải thoát cho em trai mình là ông Toàn (vì tưởng ông Toàn vẫn mắc kẹt trong nhà) chứ không hề có mục đích đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản như Kết luận điều tra và Cáo trạng đã nêu. Theo Kết luận giám định thì khẩu súng này không phải là hung khí, và ông Tuấn cũng không hề mang theo bên mình khi vào nhà bà Tuyên mà để ở xe ô tô đỗ bên ngoài nhà. Giả sử nếu ông Tuấn có mục đích mang theo khẩu súng đó để uy hiếp tinh thần của bà Tuyên nhằm mục đích đòi nợ như cáo buộc của Cơ quan CSĐT thì liệu rằng ông Tuấn có để súng ở chỗ cách xa mình như vậy không?

Thứ ba, điều đáng nói nhất ở đây là chủ nợ Lê Thị Thanh Xuân cũng bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản” với vai trò “đồng phạm” trong vụ án này, chỉ vì một câu nói “đòi một củ về tiêu” được cho rằng là lời của ông Tuấn. Vậy một củ là gì?

Tra theo từ điển Luật học cũng như từ điển Tiếng Việt, chúng ta không thể nào tìm ra được khái niệm hay định nghĩa thế nào là “một củ”.

Tra cứu theo Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn dưới luật, chúng ta cũng không thể nào tìm thấy bất cứ điều luật nào quy định “một củ” là cái gì? Hay “một củ” là bao nhiêu tiền?

Thế nhưng điểm rất lạ lùng ở đây chính là giá trị của “một củ”, theo như Cơ quan CSĐT Công an thành phố Tuyên Quang cho biết ông Tuấn giải thích “một củ” là 100 triệu đồng, từ đó đã dùng làm căn cứ buộc tội “cưỡng đoạt tài sản” đối với ba bị can. Bản cáo trạng của VKSND thành phố Tuyên Quang cũng đưa ra kết luận: Lê Thị Thanh Xuân thuê Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Toàn đến nhà ở của chị Trần Kim Tuyên (ở 86, tổ 16, phường Tân Quang, TP.Tuyên Quang) để đòi nợ. Tại đây Tuấn, Toàn đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt 100 triệu đồng của chị Trần Kim Tuyên. Như vậy, có đủ căn cứ xác định các bị can Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Toàn và Lê Thị Thanh Xuân phạm tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.

Như đã phân tích thì chưa từng có bất cứ khái niệm nào giải nghĩa “một củ” là cái gì hay là bao nhiêu. Giả sử theo tiếng lóng như tìm hiểu, cũng chưa có căn cứ nào để khẳng định “một củ” là 100 triệu đồng, mà thường là chỉ 1 triệu đồng. Như vậy, giá trị “một củ” mà Tuấn nói với các bị can khác có được các bị can cùng hiểu là 100 triệu hay mỗi bị can hiểu theo một định lượng khác nhau? Hơn nữa, theo như lời khai của ông Toàn, ông Khôi thì không ai biết việc ông Tuấn có nói “ăn xong đi đòi một củ về tiêu”, và cũng không ai hiểu “một củ” có giá trị là 100 triệu đồng như kết luận của CQCSĐT”.

Các bị cáo kêu oan và tố bị điều tra viên bức cung nhục hình tại Tòa.
Các bị cáo kêu oan và tố bị điều tra viên bức cung nhục hình tại Tòa.

Theo luật sư Hoè, mới chỉ xem xét qua về giá trị cưỡng đoạt này đã có thể nhận thấy ngay điểm mâu thuẫn, chưa chặt chẽ của Cơ quan CSĐT TP Tuyên Quang. Tại bản kết luận điều tra thì Tuấn đến nhà Tuyên đòi nợ cho Xuân để “lấy một củ về tiêu”. Ngoài ra, Cáo trạng của VKS còn thêm “Tuấn và Xuân thỏa thuận Tuấn đòi nợ thuê cho Xuân được bao nhiêu thì đòi, số tiền đòi được chia đôi mỗi bên hưởng một nửa”. Chỉ nhìn qua thì thấy dường như có rất nhiều chứng cứ buộc tội với các bị cáo, thậm chí chứng cứ còn khá “mạnh”. Nhưng thực tế những cáo buộc này lại đang hết sức mâu thuẫn, bởi mục đích chiếm đoạt ở đây (nếu có) là “một củ” hay là phần giá trị “mỗi người một nửa”? Về phía bà Xuân, chắc chắn nếu thuê người đòi nợ thì rõ ràng bà Xuân sẽ muốn lấy lại toàn bộ số tiền hơn 2,9 tỷ mà bà Tuyên còn nợ mình. Giả sử “mỗi bên một nửa” - thì số tiền thù lao, mục đích chiếm đoạt của ông Tuấn phải là con số gần 1,5 tỷ đồng. Tuy vậy, như đã nói, ngay từ đầu các bị cáo bị cáo buộc vì giá trị định chiếm đoạt là “một củ” và được khẳng định lại trong bản kết luận điều tra. Chưa nói đến việc lý giải “một củ” là 100 triệu đồng quá lạ lẫm không chỉ với những người quan tâm đến vụ án mà ngay chính các bị cáo cũng chưa kịp hiểu “một củ” là 100 triệu, thì giá trị này cũng hoàn toàn không có giá trị lớn gì so với con số 50/50 tiền thù lao mà bà Xuân hứa sẽ trả cho ông Tuấn (nếu có). Chính CQCSĐT cũng chưa từng làm rõ về giá trị cưỡng đoạt này mà đã quy kết cho các bị cáo đến nhà Tuyên để cưỡng đoạt tài sản, thỏa thuận về khoản thù lao. Như vậy, mục đích đòi nợ của Tuấn thực chất là gì, có phải là đòi nợ thuê cho bà Xuân hay không? Số tiền “một củ”- một trăm triệu đồng có liên quan gì đến khoản 50% số tiền sẽ đòi được? Khi mà Tuấn chỉ muốn đến nhà Tuyên “lấy một củ (một trăm triệu) về tiêu”. Đưa ra cáo buộc dựa trên lời khai về giá trị cưỡng đoạt 100 triệu để kết tội các bị can một cách hết sức khiên cưỡng và thiếu cơ sở pháp lý, thậm chí xuất hiện cả những mâu thuẫn trong căn cứ buộc tội.

Ngoài ra, khi ông Tuấn đến nhà bà Tuyên để hỏi nợ giúp cho bà Xuân, ông Tuấn chỉ mang theo các giấy vay nợ photo để hỏi về khoản nợ, nếu bà Tuyên trả thì ông Tuấn mới gọi bà Xuân mang giấy vay nợ gốc lên. Vậy nếu ông Tuấn có mục đích đi “đòi nợ thuê”, mục đích “chiếm đoạt tài sản” thì chắc hẳn giấy vay nợ mà ông Tuấn mang theo sẽ không phải là giấy photo, bởi ông Tuấn hoàn toàn nhận thức được rằng sẽ chẳng có con nợ nào mang gần 3 tỷ đồng ra trả cho một người chỉ có trong tay vài tờ giấy vay nợ photo.

Tại các phiên tòa xét xử trước, mặc dù bà Xuân và ông Tuấn (bị cách ly) nhưng đều có lời khai trùng khớp rằng: “Tuyên không còn tài sản vì đã tẩu tán hết nên chỉ cần Tuấn đến nhắc nợ mà thôi”. Rõ ràng cần phải yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ tình tiết này. Hơn nữa, theo như Kết luận điều tra thì mục đích khi ông Tuấn đến nhà bà Tuyên là để lấy “một củ” là “để tiêu” chứ không phải đưa cho bà Xuân. Đã không thỏa thuận về việc dùng vũ lực, bà Xuân còn không biết gì về chuyện “một củ” và thậm chí cũng không hiểu “một củ” là “một trăm triệu đồng” hay là bao nhiêu, là cái gì nhưng không hiểu sao bà Xuân vẫn bị quy là đồng phạm trong vụ. Thậm chí dù các bị cáo liên tục kêu oan trong suốt gần ba năm qua, cho rằng mình bị ép cung, đặc biệt điều tra viên thụ lý vụ án cũng đã bị kỷ luật, bị đuổi ra khỏi ngành vì những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra vụ án, nhưng những chứng cứ, lời khai mà họ trực tiếp thu thập lại vẫn được sử dụng làm căn cứ buộc tội!

Tuy nhiên, Cáo trạng mới nhất ngày 07/11/2014 của VKSND TP Tuyên Quang đã “bỏ qua” luôn giá trị “một củ” mà Cơ quan CSĐT TP Tuyên Quang đã dựa vào để kết tội các bị cáo, chỉ giữ lại giá trị thù lao “mỗi người một nửa” - tức 50% giá trị số tiền đòi được làm mục đích chiếm đoạt và chuyển hồ sơ sang TAND TP Tuyên Quang để xét xử các bị cáo tội “cưỡng đoạt tài sản”, dù trước đây chính VKSND TP Tuyên Quang cũng đã dựa vào giá trị cưỡng đoạt “một củ” mà Cơ quan CSĐT TP Tuyên Quang đưa ra để truy tố đối với các bị cáo theo khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự. Với số tiền là bà Tuyên nợ bà Xuân là gần 3 tỷ đồng, suy luận theo cáo buộc của VKSND TP Tuyên Quang thì “thù lao” mà ông Tuấn “nhận được” sẽ là gần 1,5 tỷ thì phải bị truy tố theo khoản 4 Điều 135 chứ không phải khoản 1 như đang bị cáo buộc. Vậy thực chất các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật nào? Đã cưỡng đoạt tài sản gì? giá trị cưỡng đoạt là bao nhiêu?

“Vụ án được đưa ra xét xử với quá nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu sót, các chứng cứ buộc tội các bị cáo không rõ ràng, không khách quan và không có cơ sở khoa học. Liệu rằng TAND TP Tuyên Quang có thể đưa ra một phán quyết công minh, đúng người, đúng tội dựa trên những căn cứ mà Cơ quan CSĐT đã đưa ra”, luật sư Hoè nhận định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm