Tuyên Quang:

Vụ nhiều bị can cùng kêu oan: “Chính cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đang mâu thuẫn”

(Dân trí) - “Từ người cho vay tiền trở thành tội phạm trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, một vụ án mà 8 lần bị hoãn xét xử và rất nhiều lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, bị can hoàn toàn có lý do kêu oan khi mà có nhiều căn cứ thể hiện chính cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đang mâu thuẫn”, luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.

Như báo điện tử Dân trí đã đưa tin về vụ án Cưỡng đoạt tài sản mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Tuyên Quang đã khởi tố ngày 21/4/2011 đối với các bị can Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Toàn, Lê Thị Thanh Xuân, đã 8 lần vụ án bị hoãn xét xử và rất nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do có rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Đặc biệt bản án sơ thẩm ngày 14/5/2012 đã bị bản án phúc thẩm ngày 28/9/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang tuyên hủy do “lời khai, tài liệu, chứng cứ buộc tội các bị cáo có trong hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn; chưa được cơ quan điều tra xác định rõ”.

Một trong những nội dung luôn được các cơ quan tố tụng yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ là: Có hay không việc chuyển nợ giữa Lê Thị Thanh Xuân với Trần Kim Tuyên và Nguyễn Thị Bích Ngọc? Có thể thấy, đây là căn cứ đặc biệt quan trọng trong việc các cơ quan tố tụng xác định đúng tội danh đối với Xuân cũng như Tuấn và Toàn. Đây cũng là vấn đề mà đông đảo dư luận và các cơ quan chức năng đang đặc biệt quan tâm. Bởi điều này sẽ xác định rõ có oan sai trong vụ án này không, khi Xuân, Tuấn, Tùng đã bị tạm giam trong suốt thời gian dài.

Luật sư Trương Quốc Hòe: “Chính cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đang mâu thuẫn”.
Luật sư Trương Quốc Hòe: “Chính cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đang mâu thuẫn”.

Theo cáo trạng mới nhất, Xuân cho bà Tuyên vay nhiều lần với tổng số tiền  “Chính cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đang mâu thuẫn”hơn 2,9 tỷ đồng. Mỗi lần cho vay đều lập giấy tờ cụ thể và bà Tuyên ký nhận. Xuân còn cho Nguyễn Thị Bích Ngọc vay nhiều lần với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng cũng đầy đủ giấy nợ. Vậy nhưng chỉ dựa vào lời khai một phía của bà Tuyên và Ngọc, cơ quan điều tra đã kết luận có việc chuyển nợ giữa Xuân, Tuyên và Ngọc. Cơ quan điều tra còn cho rằng: “Biết Ngọc vỡ nợ, bị bắt không còn khả năng trả nợ, Xuân cho rằng Tuyên dựng lên màn kịch đi mổ khối U chuyển nợ cho Ngọc để lừa mình nhằm thoái thác trách nhiệm về khoản nợ mà Tuyên đã vay nên Xuân quay lại đòi Tuyên số tiền đó”.

Vậy có hay không việc chuyển nợ giữa Xuân, Tuyên và Ngọc?

Mâu thuẫn của cơ quan điều tra

Để góp phần làm rõ sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dưới góc độ pháp lý. Luật sư Hòe cho rằng sẽ rất bất hợp lý nếu xác định ở đây có việc chuyển nợ giữa Xuân, Tuyên và Ngọc.

“Về nguyên tắc, khi thực hiện chuyển nợ, phải có sự đồng ý của bên thứ nhất (Xuân) để bên thứ hai (Tuyên) chuyển toàn bộ nghĩa vụ của mình sang cho bên thứ ba (Ngọc). Bên thứ ba cũng phải đồng ý nhận nợ và thực hiện nghĩa vụ này với bên thứ nhất.

Đương nhiên, một giao dịch chuyển nợ trị giá nhiều tỷ đồng chắc chắn phải được lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của các bên. Nhưng trên thực tế không hề có bất cứ biên bản nào được lập giữa ba bên. Cũng không có văn bản nào nói đến việc chuyển nợ giữa Xuân, Tuyên và Ngọc.

Bà Lê Thị Thanh Xuân gửi đơn tố cáo đến báo Dân trí và các cơ quan chức năng.
Bà Lê Thị Thanh Xuân gửi đơn tố cáo đến báo Dân trí.

Đến nay vẫn luôn tồn tại hai loại giấy (bản gốc) trong hai giao dịch vay nợ tiền riêng biệt. Tuyên nợ  Xuân 2.950.000.000đ và Ngọc nợ Xuân 2.350.000.000đ. Giả sử có việc chuyển nợ thì chắc chắn Tuyên đã yêu cầu Xuân hoàn trả lại toàn bộ số giấy vay nợ gốc hoặc yêu cầu Xuân viết giấy xác nhận về việc giữa hai bên không còn quan hệ vay nợ nữa.

“Khi vay tiền các bên đều lập giấy vay tiền thì không có lý do gì khi kết thúc giao dịch, các bên lại không lập thành văn bản”. - Luật sư Hòe nói.

Theo đó, luật sư Trương Quốc Hòe phân tích, theo hồ sơ vụ án, có thể thấy rất rõ có quá nhiều điểm bất thường cho câu hỏi: Có hay không việc chuyển nợ?

Luật sư còn chỉ ra mâu thuẫn của chính cơ quan tố tụng. Cáo trạng số 141/QĐ-KSĐT ngày 29/11/2011 viết: “Chị Tuyên còn nợ Xuân số tiền 1.6 tỷ đồng” và Bản án hình sự sơ thẩm phần đầu nêu: “Đến cuối tháng 01/2011, chị Tuyên còn nợ Xuân số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng, chị Tuyên và Xuân thống nhất chuyển toàn bộ số nợ của chị Tuyên sang cho Ngọc, Ngọc đồng ý và viết giấy vay tiền của Xuân”.

Nhưng cũng trong bản án này, Hội đồng xét xử kết luận: “Không có căn cứ cho rằng chị Tuyên và Xuân thống nhất chuyển toàn bộ số tiền chị Trần Kim Tuyên nợ của Lê Thị Thanh Xuân sang cho Nguyễn Thị Bích Ngọc”.

Như vậy, theo kết luận trên, không hề có việc chuyển nợ như bản án đã nêu tại phần đầu.

“Tại sao trong cùng một bản án lại có những điều “nhận thấy” và “kết luận” trái ngược nhau hoàn toàn đến vậy?” - Luật sư Hòe đặt câu hỏi.

Ông Hòe con đặt vấn đề: Vụ án này xuất phát từ việc các bên cho nhau vay tiền, nhưng tại sao trong bản án không quan tâm làm rõ các bên đã thực chất cho nhau vay bao nhiêu tiền, hình thức như thế nào?

Sau khi TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên hủy bản án sơ thẩm, VKSND TP. Tuyên Quang đã có Quyết định trả hồ sơ để điều tra lại, trong đó viết: “xác định rõ số tiền Xuân cho Tuyên vay đã được chuyển nợ cho Ngọc hay chưa chuyển nợ cho Ngọc”.

Tuy nhiên, sau đó Cơ quan CSĐT (Công an TP. Tuyên Quang) vẫn ra Bản kết luận điều tra và kết luận rằng, Tuyên vay Xuân nhiều lần tiền với tổng số hơn 2,9 tỷ đồng và xác định đến ngày 02/01/2011, Tuyên còn nợ Xuân hơn 2,3 tỷ đồng, cũng như cho rằng “toàn bộ số tiền trên đã được chị Tuyên chuyển sang cho Ngọc nợ Xuân, được sự đồng ý của Xuân”.

Điều này chính là một trong những lý do khiến ngày VKSND thành phố Tuyên Quang sau đó đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đưa đi, trả lại hai, ba lần, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuyên Quang vẫn khẳng định “giữ nguyên nội dung kết quả điều tra như tại Bản kết luận điều tra vụ án số 112/KLĐT ngày 24/10/2011 và nội dung Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 03/KLĐT ngày 15/7/2013 của Cơ quan CSĐT công an thành phố Tuyên Quang”.

Tuy nhiên, một điểm chính cơ quan điều tra không thống nhất là số tiền nợ bị thay đổi. Bản kết luận điều tra số 112/KLĐT cho rằng số tiền  Tuyên nợ  Xuân là 1,6 tỷ nhưng Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án số 03/KLĐT thì số nợ  này biến thành hơn 2,3 tỷ đồng.

“Vậy cần hiểu như thế nào là “giữ nguyên kết quả điều tra” đây?” - Luật sư Hòe nhấn mạnh.

Quyết định tạm đình chỉ vụ án Cưỡng đoạt tài sản.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án "Cưỡng đoạt tài sản".

Và những con số "nhảy múa"

Do không có bất cứ tình tiết, chứng cứ nào mới để chứng minh có việc chuyển nợ này và sau nhiều lần trả hồ sơ qua lại, Cơ quan CSĐT (Công an TP. Tuyên Quang) đã kết luận “trước khi chuyển nợ, Xuân có cho Nguyễn Thị Bích Ngọc vay tiền cụ thể: ngày 27/01/2010 Xuân cho Ngọc vay 265.000.000đ; ngày 21/01/2011 cho Ngọc vay 600.000.000đ... Đây là số tiền vay nợ giữa Xuân và Ngọc không liên quan đến số tiền chuyển nợ 2.350.000.000đ”.

Tuy nhiên, tại Cáo trạng mới nhất, VKSND TP Tuyên Quang lại không hề thừa nhận hay kết luận có việc chuyển nợ giữa Tuyên, Xuân và Ngọc hay không.

Luật sư Trương Quốc Hòe nhận định: “Căn cứ vào chứng cứ là các giấy vay tiền bản gốc cũng như những nhận định có trong hồ sơ vụ án, có thể thấy rõ hoàn toàn không có việc chuyển nợ giữa Tuyên, Xuân và Ngọc, do vậy bà Tuyên vẫn phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay của  Xuân hơn 2,9 tỷ đồng”

Đặc biệt, Bản án số 54/2012/HSST nhận định“nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ những hợp đồng cho vay tiền và với một số lượng tiền lớn nhưng người cho vay tiền là Xuân vì quá tin tưởng vào quan hệ tình cảm đã không yêu cầu người vay tiền là chị Tuyên cần có tài sản đảm bảo cho số tiền vay để đảm bảo cho việc thanh toán nợ sau này; còn người vay tiền, không thanh toán sòng phẳng số tiền đã vay, không bàn bạc với người cho vay về kế hoạch trả nợ mà thoái thác nghĩa vụ trả nợ nên làm cho người cho vay bực tức dẫn đến việc thuê người đòi nợ để mong lấy lại một phần tiền đã cho vay” và “Các giấy vay tiền bản gốc giữa Xuân, Tuyên và giữa Xuân, Ngọc do Cơ quan điều tra thu giữ của Lê Thị Thanh Xuân, sẽ trả lại cho bị cáo Lê Thị Thanh Xuân để làm căn cứ khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự”

Theo luật sư Hòe, có thể thấy, xuyên suốt quá trình vụ án, bà Xuân chưa một lần nào thừa nhận có việc chuyển nợ với Tuyên và Ngọc. Lời khai của Tuyên hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Tại bản khai ngày 18/4/2011, Tuyên khai chuyển nợ cho bà Ngọc là 1.7 tỷ, bản khai ngày 23/4/2011 là 1.55 tỷ, bản khai ngày 24/4/2011 là 1.5 tỷ, và bản khai ngày 12/6/2011 và bản ngày 20/8/2011 lại biến thành 1,6 tỷ. Chỉ căn cứ vào lời khai một phía mà Cơ quan CSĐT (Công an TP. Tuyên Quang) kết luận rằng có việc chuyển nợ giữa ba người.

“Điều đó khiến cho vụ án có dấu hiệu của một sự hợp thức hóa nhằm xóa nợ cho các bên liên quan, thậm chí rất có thể đã gây oan sai cho người vô tội.” - Luật sư Hòe phân tích.

Luật sư Hòe cho biết, về nguyên tắc, để thu hồi số tiền đã cho vay, bà Xuân có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền hoàn toàn không trái với tinh thần của Bộ luật Dân sự. Khi nhờ Tuấn thu hồi giúp mình số tiền này, Xuân không hề có sự bàn bạc về cách thức, phương pháp thực hiện. Xuân không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hành vi mà Tuấn thực hiện.

Chưa kể, những hành vi của ông Tuấn cũng có dấu hiệu không cấu thành tội phạm như đã bị điều tra, truy tố và xét xử.” - Ông Hòe đánh giá.

Theo luật sư, một điểm bất thường nữa trong vụ án là cơ quan tố tụng chưa xem xét vai trò và trách nhiệm của Tuyên trong việc vay tiền của Xuân rồi cố tình không trả mà còn khai báo giả mạo nhằm chiếm đoạt số tiền nói trên.

Luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra làm rõ bà Tuyên có hay không hành vi “Lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Người mất tiền bị giam giữ trong khi người nợ tiền không trả vẫn “bình yên” mà  không hề bị cơ quan nào “hỏi han”.

“Đây rõ ràng là một sự bất công quá lớn khiến dư luận hết sức bất bình.” - Luật sư Hòe kết luận.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế