Vụ nhà quan phá rừng tại Bắc Giang: Kiến nghị xử lý hàng loạt cán bộ!

(Dân trí) - Vụ việc gia đình lãnh đạo thị trấn phá bay hàng chục nghìn m2 rừng tự nhiên tại huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã được Báo Dân trí điều tra, thông tin trong hơn 10 kỳ báo. Từ đó, Công an huyện Sơn Động đã chính thức kết luận Báo Dân trí đăng tải thông tin chính xác và kiến nghị xử lý hàng loạt cán bộ liên quan.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) vừa có Công văn hồi âm đến Báo Dân trí thông báo kết quả điều tra vụ việc gia đình ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn phá hàng chục nghìn m2 rừng.

Theo kết luận của Công an huyện Sơn Động: Việc công dân tố cáo Phạm Văn Cương (Con ông Phạm Văn Thắng) ở thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn, thuê người phát rừng để trồng cây Keo tại khu Khe Lê, thôn Tân Thanh - Tuấn Mậu khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng là đúng.

Đối với Hạt Kiểm lâm Sơn Động để xảy ra việc phá rừng của ông Phạm Văn Cương ở thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn, nhưng cán bộ kiểm lâm không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, là vi phạm khoản 2, Điều 81 - Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của kiểm lâm.


Trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn nơi ông Thắng đang giữ cương vị chủ tịch, con trai là cán bộ tư pháp.

Trụ sở UBND thị trấn Thanh Sơn nơi ông Thắng đang giữ cương vị chủ tịch, con trai là cán bộ tư pháp.

Việc UBND xã Tuấn Mậu để gia đình ông Phạm Văn Cương phát rừng trồng keo trên địa bàn nhưng chưa phát hiện để có biện pháp ngăn chặn là vi phạm vào Điều 38 - Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, quy định trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND các cấp (Điểm C, khoản 3, Điều 38 quy định: UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng).

Việc ông Hoàng Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu ký xác nhận vào giấy ủy quyền của ông Phạm Văn Thắng cho con là Phạm Văn Cương là chưa đúng với nội dung ghi trong giấy ủy quyền, vì trong giấy ghi ngày ủy quyền là 24/2/2014 nhưng ông Tuệ ký xác nhận là ngày 25/01/2016, lúc này ông Tuệ đã là Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu. Do vậy việc ông Tuệ ký là không trái thẩm quyền, nhưng do sơ xuất không kiểm tra tài liệu đã ký xác nhận dẫn đến sai phạm đã nêu trên.

Đối với ông Phạm Văn Thắng được Nhà nước giao cho quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng, trong quá trình quản lý ông Thắng đã họp gia đình và thống nhất làm giấy ủy quyền chia cho các con một phần diện tích 8,6 ha là có thật, tuy nhiên sau khi ủy quyền đã chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến sai phạm của Phạm Văn Cương.

Đối với Phạm Văn Cương là người được bố là ông Phạm Văn Thắng ủy quyền quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng, khi chưa có hồ sơ cho phép cải tạo rừng theo quy định đã thuê người phát dọn rừng để trồng cây Keo là vi phạm Điều 37 - Luật bảo vệ và phát triển rừng, quy định trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng. Tuy hành vi trên chưa đủ yếu tố xử lý về hình sự, nhưng phải được xem xét xử lý về hành chính theo quy định của pháp luật.

Mặc dù, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động xem xét không xử lý hình sự vụ án phá rừng. Tuy nhiên, cơ quan này đã có công văn số 256/CV-CQĐT đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Sơn Động xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc trên để có hình thức xử lý nghiêm khắc như sau:

Đối với các cơ quan Thanh tra Nhà nước huyện, Hạt Kiểm lâm Sơn Động cần xem xét làm rõ trách nhiệm của tập thể, những cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn của ông Phạm Văn Thắng; khi có vụ việc chặt phá rừng như trên xảy ra không lập hồ sơ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật dẫn đến khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT ở địa phương.


Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động. (Ảnh: Anh Thế)

Hiện trạng một khoảnh rừng ngay sát khu thi công dự án cáp treo Yên Tử tại huyện Sơn Động. (Ảnh: Anh Thế)

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu khi tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND huyện về việc chuyển đơn của ông Phạm Văn Lợi cho UBND xã Tuấn Mậu giải quyết theo thẩm quyền nhưng chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra việc giải quyết nên dẫn đến chưa phát hiện, lập hồ sơ tham mưu, giải quyết chính xác vụ việc nêu trên.

Đối với ông Hoàng Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu trong khi thực hiện nhiệm vụ chưa kiểm tra kỹ tài liệu đã ký xác nhận dẫn đến sai phạm nêu trên.

Đối với ông Phạm Văn Thắng hiện là Phó Bí Thư đảng ủy - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn và Phạm Văn Cương là cán bộ tư pháp UBND thị trấn Thanh Sơn, quá trình quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng chưa thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, gây ra khiếu kiện phức tạp làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của chính quyền và ảnh hưởng không tốt đến tình hình ANTT ở địa phương.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công việc và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện được phân cấp và xác định rất rõ: "Tổ chức hoạt động có hiệu quả của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên đối với vụ việc khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản theo quy định của pháp luật.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật".

Được biết, ông Trần Công Thắng hiện đang giữ cương vị Bí thư huyện ủy Sơn Động, ông Nguyễn Quang Ngạn đang giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Sơn Động.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế