Vụ “lâm tặc” mở đường phá rừng ở Phú Yên: Chuyển cơ quan điều tra!
(Dân trí) - Trước tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ phá rừng ở huyện Sông Hinh và Tây Hòa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh này để làm rõ.
Ngày 13/5, trao đổi với PV Dân trí về vụ việc “lâm tặc” mở đường để vào phá rừng giáp ranh tại khu vực huyện Tây Hòa và Sông Hinh, ông Lê Văn Bé - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: Đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội nên Chi cục đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên xử lý theo thẩm quyền.
“Các đối tượng tham gia phá rừng (rừng phòng hộ và rừng sản xuất) với số lượng gỗ còn lại đã gần 37m3 nên có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” được quy định tại Điều 232 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.” – ông Bé cho hay.
Kết quả kiểm tra hiện trường của các đơn vị chức năng gồm: Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa, Sông Hinh; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh; Công an huyện Tây Hòa, Sông Hinh và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Hòa, Sông Hinh cho thấy:
Khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 2, tiểu khu 312 (lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ sông Hinh) có khoảng 270m đường mới được lâm tặc mở và khoảng 430m đường bị sạt lở. Hiện trường có 45 khúc gỗ tròn, khối lượng 34,419m3 và 01 khúc gỗ xẻ, khối lượng 0,495m3.
Khu vực rừng sản xuất, tại khoảnh 7, tiểu khu 358 (thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) có 690m đường được san gạt và mở mới. Hiện trường có 25 cây gỗ bị cắt để lại phần gốc và 8 lóng gỗ tròn, khối lượng 1,390m3.
Theo ông Lê Văn Bé - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên: Vụ phá rừng này nhờ phát hiện sớm nên diện tích rừng bị phá có phần giảm bớt, nếu để lâu thì hậu quả sẽ rất lớn.
“Việc các đối tượng đưa phương tiện cơ giới vào để mở đường và khai thác số lượng gỗ lớn cho thấy đã có sự tổ chức và quy mô. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào trong lực lượng tuần tra bảo vệ rừng có những việc làm tiêu cực, thông đồng, bao che cho “lâm tặc” phá rừng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” ông Bé thông tin.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, nhận được tin báo về vụ việc phá rừng, phóng viên đã trải qua nhiều Km đường rừng để ghi nhận thực tế, tại vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh hàng loạt cây rừng đã bị lâm tặc đốn hạ và vận chuyển ra ngoài.
Giữa rừng sâu, lâm tặc đã mở đường theo hình xương cá rộng khoảng 1m, mặt đường còn mới dấu xe máy cày, xe “sắt” hằn lún trên con đường đất sét… đi đến đâu chúng chọn những cây rừng to để chặt phá.
Loại cây bị đốn hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30 - 40 cm và các cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50 - 60 cm.
Trung Thi