Vụ kiện đất đai ở Kiên Giang: Chờ đợi giám đốc thẩm để “giải oan”

(Dân trí)- Bà Vân mua đất cất nhà vào năm 1999, đến năm 2000 ông Đặc mới được bán hóa giá nhà cùng với 5 hộ khác. Khi sửa lại nhà đụng phải nhà bà Vân, ông Đặc cho rằng bà Vân lấn đất nên kiện ra tòa.

Theo đơn tường trình khiếu nại mà bà Phạm Thị Vân (SN 1962, ngụ số nhà 673/4 Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) gửi đến VP báo Dân trí tại Cần Thơ phản ánh: Năm 1999, gia đình bà Vân mua một mảnh đất của ông Trần Trí Dũng nằm trong khu đất phân lô của cán bộ, nhân viên Sở Điện lực Kiên Giang với diện tích 75m2 (15m x 5m). Xung quanh toàn bộ khu đất được rào bằng hàng dây chì gai với cột đá làm mốc giữa khu tập thể và khu nhà dân.

Cũng trong năm 1999, bà Vân cất nhà và cũng chỉ cất trong hàng rào phân ranh. Theo bà Vân cho biết, phía sau hàng rào là một khu đất trống rồi mới đến dãy nhà tập thể của Sở Điện lực Kiên Giang.

Khoảng cuối tháng 8/2000, gia đình ông Nguyễn Văn Đặc ((SN 1957, ngụ số nhà 675B Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang) được Công ty phát triển nhà Kiên Giang bán hóa giá căn nhà số 675B (cùng với 5 căn hộ cận kề và đều được ghi theo diện tích khuôn viên đất ở) với diện tích chiều ngang 9,25m, dài 113,7m.

Bà Vân cho biết, khoảng năm 2007, khi sửa chữa lại nhà, việc ông Đặc căn cứ vào việc xác định lộ giới là 17m (theo quy định số 742 ngày 17/10/1992 của UBND tỉnh Kiên Giang) để tính phần đất rồi kiện ra tòa cho rằng gia đình bà lấn phần đất có chiều ngang 03m, dài 1,5m đã gây thiệt thòi cho bà. Việc ông Đặc cho xây dựng cũng đã bị ngành chức năng phường An Hòa lập biên bản yêu cầu ngưng thi công chờ giải quyết.

Theo bà Vân, bà mua phần đất và cất nhà vào năm 1999, trong khi ông Đặc được bán hóa giá nhà vào năm 2000. Trong thời gian bà Vân cất nhà, ông Đặc cũng không nói gì. Bên cạnh đó, khu tập thể có nhà ông Đặc có đến 6 căn nhà, nếu tính lộ giới là 17m thì không chỉ nhà ông Đặc mà những hộ khác cũng phải tính theo. Tuy nhiên, các hộ này lại không có ý kiến gì về việc tranh chấp đất.  

Bà Phạm Thị Vân đang trình bày những bức xúc khiếu nại với PV Dân trí
Bà Phạm Thị Vân đang trình bày những bức xúc khiếu nại với PV Dân trí
 (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo một số giấy tờ mà chúng tôi thu thập được, ngày 21/10/1999, Công ty Phát triển nhà Kiên Giang có biên bản xác định giá trị còn lại của nhà ở thì diện tích hóa giá cho ông Đặc là 126,725m2 (9,25m x 13,7m). Ngày 25/8/2000, Công ty Phát triển nhà và ông Đặc ký hợp đồng mua bán nhà cũng với diện tích như trên.

Sau khi có tranh chấp, ngày 2/6/2008, Trung tâm phát triển quỹ đất và nhà ở Kiên Giang cùng với các cơ quan ban ngành khác đã tiến hành đo đạc lại và xác định: Qua khảo sát thực tế và kiểm tra biên bản ngày 21/10/1999, phần diện tích đất hóa giá tính từ tim đường Nguyễn Trung Trực là 14m; diện tích đúng với biên bản định giá ngày 21/10/1999.

Sau khi tiếp nhận vụ khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đặc, ngày 10/6/2011, TAND TP Rạch Giá có biên bản thẩm định tại chỗ thể hiện phần đất ông Đặc sau khi trừ lộ giới 17m thì có chiều ngang là 9,25m, dài cạnh giáp nhà bà Vân là 11,1m. Nếu so với chiều dài được hóa giá là 13,7m thì đất của ông Đặc thiếu 2,6m. Trong khi đó, đất của bà Vân có chiều ngang 5m, chiều dài cạnh giáp nhà ông Đặc là 16,55m (theo GCNQSDĐ được cấp là 15m) tức là thừa 1,55m và phần seno đưa ra là 0,35m (tổng 1,9m). Như vậy, phấn đất của ông Đặc nếu tính từ lộ giới 17m đo vào và tính luôn phần đất thừa của bà Vân là 1,9m thì vẫn còn thiếu 0,7m.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/3/2012, ông Đặc cũng xác định gia đình bà Vân có xây dựng nhà và xây vào phần đất trống phía sau khu tập thể nhưng chưa được hóa giá cho ông nên không thể nói được gì. Trong khi đó, nếu tính tim lộ 14m thì đất của ông Đặc còn thừa 0,4m so với chiều dài hóa giá.

Đại diện phía bán hóa giá cho ông Đặc cho rằng khi bán hóa giá chỉ lập thủ tục bàn giao trên sơ đồ chứ không có đo đạc thực tế nên không xác định được ranh đất. Ngoài ra, đối với biên bản xác định lại ngày 2/6/2008, đại diện đơn vị này cũng không có ý kiến gì. Bên cạnh đó, đại diện đơn vị này cũng không xác định được phần đất thừa của bà Vân có phải lấn chiếm đất hóa giá của ông Đặc hay không.

Hội đồng xét xử TAND TP Rạch Giá kết luận, mặc dù lộ giới theo quy định tại quyết định số 742 là 17m nhưng khi đo đạc hóa giá thì đất của ông Đặc được tính từ tim lộ vào là 14m theo biên bản xác định ngày 21/10/1999 thì phần đất này còn cách nhà bà Vân 0,05m. Còn phần đất bà Vân sử dụng có thừa so với GCNQSDĐ nhưng nằm ngoài đất hóa giá cho ông Đặc. HĐXX TAND TP Rạch Giá bác đơn khởi kiện của ông Đặc. Giữ nguyên hiện trạng phần đất do ông bà Vân làm chủ. Bà Vân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét hóa giá phần diện tích tăng thêm so với GCNQSDĐ. Đối với ông Đặc nhận không đủ đất hóa giá theo hợp đồng mua bán với Công ty phát triển nhà Kiên Giang thì được khởi kiện thành vụ kiện khác.

Bà Phạm Thị Vân đang trình bày những bức xúc khiếu nại với PV Dân trí
Bà Vân cho rằng, nếu tính tim lộ 17m thì toàn bộ các căn hộ (khung đỏ) sẽ lùi lại chứ không riêng gì nhà ông Đặc (675B có dấu chéo) sẽ khiến các hộ phía sau (từ 20- 27) bị mất rất nhiều đất. Trong ảnh: Hộ bà Vân số 23. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Ông Nguyễn Văn Đặc kháng cáo bản án sơ thẩm. Ngày 26 và 29/6/2012, TAND tỉnh Kiên Giang đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này. Trong bản án phúc thẩm số 133 ngày 29/6/2012 của TAND tỉnh Kiên Giang lại kết luận, TAND TP Rạch Giá bác yêu cầu khởi kiện của ông Đặc là hoàn toàn trái với nội dung quyết định 742 của UBND tỉnh Kiên Giang. Phiên phúc thẩm của HĐXX TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng căn cứ các hồ sơ thể hiện từ năm 1997 thì việc tính lộ giới là 17m.

HĐXX phiên phúc thẩm quyết định chấp nhận một phần yêu cẩu khởi kiện của ông Đặc và sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Rạch Giá. Giữ nguyên hiện trạng phần đất và vật kiến trúc; buộc phía bà Vân có nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất lấn chiếm của ông Đặc (tổng cộng 5,55m2) trị giá 11,1 triệu đồng.

Sau phiên phúc thẩm, bà Vân cho rằng phiên tòa phúc thẩm đã xử không hợp lý nên bà có khiếu nại. Bà Vân cho biết đã có gửi hồ sơ lên giám đốc thẩm vụ án này.

Theo bà Vân, nếu căn cứ vào lộ giới là 17m thì các hộ kế cận của ông Đặc sẽ tính thế nào, trong khi đó các hộ này vẫn không có ý kiến gì. Nếu tất cả các hộ này đều tính từ 17m để đo vào thì những hộ phía sau (chung phần đất với bà) đều bị ảnh hưởng, thậm chí có hộ chỉ còn vài m2 đất. Bà Vân cũng thừa nhận diện tích đất mà bà đang sử dụng có dư so với giấy chủ quyền nhưng số dư này là của Nhà nước chứ bà không lấn chiếm của ông Đặc. Do đó, bà cho biết, nếu có trả tiền sử dụng số dư phần đất thì chỉ trả cho Nhà nước mà thôi. Bởi bà là một giáo viên, chồng cũng là cán bộ nhân viên Nhà nước nên không thể mang tiếng "tham lam" làm mất danh dự, uy tín của gia đình bà nên bà đang từng ngày chờ một quyết định giám đốc thẩm để giải "nỗi oan" này.

Bà Phạm Thị Vân đang trình bày những bức xúc khiếu nại với PV Dân trí
Bà Vân đã gửi hồ sơ lên giám đốc thẩm. Bà Vân cho biết đang từng ngày chờ quyết định giám đốc thẩm để "giải oan". (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân (VP Luật sư Thanh Tân, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) nhận định: Qua xem xét các giấy tờ liên quan thì phía ông Đặc kiện không đúng đối tượng. Lẽ ra đối tượng ông Đặc kiện là bên mua bán nhà đất với ông. Còn phía bà Vân khi xây dựng nhà vào phần đất ngoài giấy CNQSDĐ thì chính ông Đặc cũng thừa nhận là phần đất trống phía sau khu tập thể nhưng chưa được hóa giá cho ông.

                                                                                                Huỳnh Hải