TP.HCM:

Vụ hủy hợp đồng vẫn kiện đối tác ra toà: Sự thật bị “lãng quên” trong bản án phúc thẩm!

(Dân trí) - Nhiều nội dung quan trọng thể hiện tại các biên bản họp, biên bản hoà giải và nhiều tài liệu khác giữa Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Tân Việt An và Công ty Cổ phần Đức Mạnh đã bị toà cấp phúc thẩm “lược bỏ” khi đưa bản án phúc thẩm.

“Làm ngơ” nhiều kiến nghị

Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao cũng như ý kiến của Viện KSND TP tại phiên tòa...đã có văn bản chỉ rõ những vi phạm về tố tụng, nhưng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn cho rằng, những lỗi vi phạm tố tụng của TAND Q.2 là không nghiêm trọng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao cũng như ý kiến của Viện KSND TP tại phiên tòa...đã có văn bản chỉ rõ những vi phạm về tố tụng, nhưng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn cho rằng, những lỗi vi phạm tố tụng của TAND Q.2 là không nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ việc tranh chấp giữa Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An (Cty Tân Việt An, phường Bình An, Q.2 , TP.HCM, bị đơn) và Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Cty Đức Mạnh, nguyên đơn), ngày 18/9/2017, TAND Q.2 đã có bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2017/KDTM-ST. Sau khi tuyên án, Viện KSND TP. HCM kháng nghị do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cả nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo. Ngày 12/6/2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án trên.

Mặc dù, các cơ quan chức năng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao cũng như ý kiến của Viện KSND TP tại phiên tòa...) đã có văn bản chỉ rõ những vi phạm về tố tụng, nhưng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn cho rằng, những lỗi vi phạm tố tụng của TAND Q.2 là không nghiêm trọng, không cần thiết phải hủy án và đã tuyên “sửa một phần bản án sơ thẩm”, nhưng thực chất nội dung chính là giữ nguyên bản án sơ thẩm. Như vậy, toà cấp phúc thẩm đã lập lại vi phạm của cấp sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND TP nhận định: “Bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng (điểm C, Khoản 1 Điều 266 của Bộ luật TTDS 2015) khi không tuyên hết từng phần vấn đề phải giải quyết của vụ án theo luật định, do đó Viện KSND TP kháng nghị đối với bản án nêu trên là có căn cứ.

Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho rằng, biên bản nghị án của HĐXX TAND Q.2 (phần viết tay) có tuyên bác yêu cầu phản tố của bị đơn nhưng bản án phát hành lại không ghi câu này. Sau đó, TAND Q.2 đã có thông báo bổ sung với nội dung là bác yêu cầu phản tố của bị đơn. Do đó, phần này cấp sơ thẩm có sai phạm, vi phạm tố tụng nhưng không nghiêm trọng, nên không cần thiết hủy bản án. Luật sư luật sư Nguyễn Thị Bích Liên (Đoàn luật sự TP. HCM) cho rằng, cách mà HĐXX phúc thẩm lập luận như trên là thiếu tính thuyết phục, không khách quan.

“Lập lờ đánh lận con đen”

Nhiều tình tiết, căn cứ được nêu trong bản án phúc thẩm chỉ lược dẫn một phía.
Nhiều tình tiết, căn cứ được nêu trong bản án phúc thẩm chỉ lược dẫn một phía.

Tại bản án phúc thẩm có trích dẫn: “Về nghĩa vụ thanh toán đợt 3, Cty Đức Mạnh và Cty Tân Việt An có thoả thuận thống nhất ngày 27/7/2012, Cty Đức Mạnh chỉ thanh toán tiếp khi Cty Tân Việt An bồi thường cho hộ bà Quỳnh Hương và ông Nguyễn Vĩnh Tý. Nhưng tại phiên toà phía bị đơn xác định chưa bồi thường với 2 hộ này nên Cty Đức Mạnh không thanh toán là không vi phạm thoả thuận của các bên”.

Đối chiếu với biên bản ngày 27/7/2012, có thể nhận thấy, toà cấp phúc thẩm chỉ trích dẫn ý kiến của bên Cty Đức Mạnh, không đầy đủ nội dung mà 2 bên đã thống nhất và cam kết với nhau.

Cụ thể, biên bản họp ngày 27/7/2012 nêu rõ ý kiến của Cty Tân Việt An: “Thời gian gian thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng diện tích của hộ bà Hương và ông Tý kể từ lúc Tân Việt An nhận đủ số tiền nêu trên (20 tỷ đồng – PV) là 60 ngày làm việc…”.

Nhiều nội dung trong biên bản 27/7/2012 không được nêu ra trong bản án của toà phúc thẩm.
Nhiều nội dung trong biên bản 27/7/2012 không được nêu ra trong bản án của toà phúc thẩm.
Nội dung của văn bản 108/2010/TB-TVA đã không được toà trích dẫn đầy đủ khiến bản chất vụ việc thiếu khách quan.
Nội dung của văn bản 108/2010/TB-TVA đã không được toà trích dẫn đầy đủ khiến bản chất vụ việc thiếu khách quan.

Bản án phúc thẩm cũng trích dẫn văn bản số 108/2010 TB-TVA ngày 8/10/2010 của Cty Tân Việt An đồng ý gia hạn thanh toán đợt 1…Tuy nhiên, nội dung của văn bản này đã không được toà trích dẫn đầy đủ khiến bản chất vụ việc thiếu khách quan. Trong văn bản 108/2010 TB-TVA có mục thể hiện nội dung, vấn đề thanh toán tiền của hợp đồng hợp tác đầu tư, Cty Tân Việt An đã chia sẻ khó khăn với Cty Đức Mạnh trong việc thanh toán lần 1, gia hạn thanh toán lần 1 đến ngày 17/9…

Đại diện Cty Tân Việt An khẳng định, phía Cty Đức Mạnh đã không thực hiện việc chuyển tiền đúng theo bản thoả thuận ngày 27/7/2012 nên dẫn đến việc Cty Tân Việt An không có chi phí để kịp thời giải phóng mặt bằng. Như vậy là do chính Cty đã vi phạm chứ không phải phía Cty Tân Việt An không làm theo thoả thuận như bản án phúc thẩm quy kết. Bản án phúc thẩm chỉ lược lấy ý có lợi cho Cty Đức Mạnh.

Trong bản án phúc thẩm xác định Cty Đức Mạnh có lỗi trong việc thế chấp 2 lô chung cư C1, C2 nhưng không gây hậu quả. Đại diện phía Cty Tân Việt An cho rằng, bản án của toà cấp phúc thẩm đã không xem xét đến phụ lục hợp đồng.

Một trong nhiều biên bản họp thống nhất giữa các bên để bán dự án.
Một trong nhiều biên bản họp thống nhất giữa các bên để bán dự án.

“Trong năm 2012 và 2014 các bên ký với nhau để bán dự án đi, các bên đưa ra họp và đồng ý. Khi đơn vị đứng ra bán thì phía Cty Đức Mạnh bỏ chạy vì đã thế chấp ngân hàng. Nếu Cty Đức Mạnh không thế chấp thì chúng tôi đã bán được dự án và không phải kéo dài kiện cáo đến hôm nay. Như vậy rõ rằng, việc ông thế chấp ngân hàng đã gây thiệt hại cho công ty chúng tôi chứ làm sao nói không gây thiệt hại được”, đại diện Cty Tân Việt An chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý khác mà trong bản án đã nêu ra là việc toà cấp phúc thẩm căn cứ vào biên bản hoà giải thành ngày 14/1/2016 của TAND Q.2 với nội dung thể hiện: “Cty Tân Việt An đồng ý thanh toán 115 tỷ đồng cho Cty Đức Mạnh trong thời hạn 1 năm, đồng thời chịu lãi theo mức 9%/năm tương ứng với với thời gian và số tiền chưa thanh toán…”.

Tuy nhiên, theo nội dung của biên bản hoà giải thành ngày 14/1/2016, Cty Tân Việt An đồng ý trả tiền thành 4 đợt (trong 9 tháng). Trên cơ sở đó, nếu phía Cty Tân Việt An trả chậm lần nào theo cam kết trong biên bản hoà giải thành thì phía Cty Tân Việt An sẽ trả lãi suất 9%. “Chúng tôi trả lãi suất là trên cơ sở hoà giải thành bây giờ hoà giải không thành thì không thể áp dụng việc trả lãi này cho phía chúng tôi được. Giữa hai bên là quan hệ hợp tác kinh doanh chứ chúng tôi không vay nợ phía Cty Đức Mạnh”.

Nội dung của biên bản hoà giải thành ngày 14/1/2016.
Nội dung của biên bản hoà giải thành ngày 14/1/2016.

Nhận định về bản án phúc thẩm, luật sư Võ Thanh Khương (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng: “Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Cty Tân Việt An và Cty Đức Mạnh là thỏa thuận góp vốn giữa hai pháp nhân để kinh doanh bất động sản, đây là quan hệ kinh doanh thương mại (Điều 504 Bộ luật dân sự 2015), không phải quan hệ vay nợ trong giao dịch dân sự (Điều 463 Bộ luật dân sự 2015). Xuyên suốt quá trình hợp tác đầu tư, giữa hai bên không có bất kỳ điều khoản hay văn bản thỏa thuận nào qui định khi một bên hủy ngang hợp đồng thì sẽ tính lãi suất 9%/năm trên tổng số tiền đã đầu tư vào dự án, nên việc HĐXX tuyên buộc Cty Tân Việt An bồi thường thiệt hại cho Cty Đức Mạnh với lãi suất 9% là trái quy định của Luật thương mại và Bộ luật dân sự”.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm