TP.HCM - Bài 3:

Vụ hủy hợp đồng vẫn kiện đối tác ra toà: Nhiều “uẩn khúc” cần làm rõ!

(Dân trí) - Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Viện KSND Tối cao, Thường trực tiếp Công dân Quốc hội…đã chuyển đơn của Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An đến Chánh án TAND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Nhiều “uẩn khúc” cần làm rõ!

Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã có Văn bản chuyển đơn và tài liệu kèm theo đến Chánh án TAND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã có Văn bản chuyển đơn và tài liệu kèm theo đến Chánh án TAND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Liên quan đến bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2017/KDTM-ST của TAND Q.2 về vụ tranh chấp giữa Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Tân Việt An (Công ty Tân Việt An, phường Bình An, Q.2 , TP.HCM) và Công ty Cổ phần Đức Mạnh (Công ty Đức Mạnh), sau khi nhận được đơn của Công ty Tân Việt An, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã có Văn bản số 2095-CV/UBKTTW chuyển đơn và tài liệu kèm theo đến Chánh án TAND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Văn bản của Ủy Ban kiểm tra Trung ương thể hiện: “Theo nội dung vào hồ sơ gửi kèm, trong thời gian góp vốn thực hiện dự án, Công ty Đức Mạnh không tuân thủ đúng cam kết về nghĩa vụ thanh toán, các nội dung đã thỏa thuận tại Phụ lục Hợp đồng và Biên bản cuộc họp giữa ba bên (Công ty Trường Thịnh, Tân Việt An và Đức Mạnh), tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa được sự chấp nhận của các bên, vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 4 Điều 32 Luật Thương mại, trái với quy định tại Khoản 3, Điều 510 Bộ luật dân sự 2015”.

“Căn cứ các nội dung đã thỏa thuận tại Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty Tân Việt An không có bất kỳ điều khoản nào quy định khi một bên rút vốn hoặc hủy ngang hợp đồng sẽ được tính lãi suất 9%/năm trên tổng số tiền đầu tư vào dự án. Mặt khác, TAND Q.2 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản đối với 2 lô chung cư C1, C2 theo Quyết định số 20/2017/QĐ-BPKCTT ngày 18/9/2017 trong khi diện tích trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không tiến hành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản tranh chấp là vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 136 Bộ luật tố tụng dân sự”, nội dung được trích dẫn trong văn bản gửi đến Chánh án TAND TP.HCM của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Văn bản của Viện KSND Tối cao cũng nêu rõ nội dung thể hiện trong đơn của Công ty Tân Việt An.
Văn bản của Viện KSND Tối cao cũng nêu rõ nội dung thể hiện trong đơn của Công ty Tân Việt An.

Viện KSND Tối cao, Thường trực tiếp Công dân Quốc hội cũng có văn bản kèm theo đơn và các tài liệu kèm theo của Công ty Tân Việt An gửi đến Chánh án TAND TP.HCM để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Văn bản của Viện KSND Tối cao cũng nêu rõ nội dung thể hiện trong đơn của Công ty Tân Việt An: “Theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTĐT/TVA-ĐM ngày 21/6/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 238/PL ngày 15/4/2011 thì Công ty Đức Mạnh đã vi phạm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, không thực hiện các nội dung đã thỏa thuận giữa ba bên (Công ty Trường Thịnh, Công ty Tân Việt An, Công ty Đức Mạnh) trong việc thống nhất chuyển nhượng 95% giá trị quyền sử dụng đất của dự án cho Công ty Master Việt Nam. Công ty Đức Mạnh cam kết không thế chấp quyền tài sản phát sinh từ dự án, nhưng thực tế đã sử dụng để thế chấp bảo đảm khoản vay tại ngân hàng. Công ty Tân Việt An đã có nhiều đơn yêu cầu thành lập Hội đồng định giá đất để xác định phần vốn góp của các bên trên thực tế nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận”.

Không trung thực trong hợp tác?

Công ty Tân Việt An đã phát hành văn bản về việc hủy bỏ việc thế chấp vay vốn.
Công ty Tân Việt An đã phát hành văn bản về việc hủy bỏ việc thế chấp vay vốn.

Theo hồ sơ và bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 14/2017/KDTM-ST của TAND Q.2 về vụ tranh chấp giữa Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh, ngày 15/4/2011, công ty Trường Thịnh, Công ty Tân Việt An và Công ty Đức Mạnh đã ký bản Phụ lục Hợp đồng số 238/PL. Theo đó các bên thỏa thuận cùng góp vốn theo tỷ lệ để xây dựng 3 lô chung cư C1, C2, C3 và chia sản phẩm là căn hộ theo tỷ lệ vốn góp. Các bên thống nhất cùng nhau thành lập Ban quản lý dự án và đồng ý ủy quyền cho Công ty Đức Mạnh làm việc với ngân hàng để thu xếp vay vốn thực hiện dự án.

Sau đó, Công ty Tân Việt An không có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản liên quan đến lô đất chung cư C1, C2 và Công ty Đức Mạnh chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 80% giá trị khu đất theo thỏa thuận. Ngày 30/6/2011 Công ty Tân Việt An đã phát hành văn bản số 17/2011/TB-TVA hủy bỏ việc thế chấp vay vốn. Tuy nhiên, Công ty Đức Mạnh vẫn đem 2 lô đất C1 và C2 thế chấp tại Ngân hàng MB Đà Nẵng.

Đáng chú ý, ngày 14/6/2016, Công ty Đức Mạnh có công văn số 152-16/CV-ĐM gửi đến TAND Q.2 khẳng định không có hành vi thế chấp quyền tài sản liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư (lô C1, C2) nhưng ngày 16/2/2017 Ngân hàng MB Đà Nẵng đã gửi đi Công văn số 09/MB-ĐNA xác nhận Công ty Đức Mạnh từng lấy 2 lô chung cư C1, C2 đem đi thế chấp tại ngân hàng này.

Ngân hàng MB Đà Nẵng đã gửi đi Công văn ác nhận Công ty Đức Mạnh từng lấy 2 lô chung cư C1, C2 đem đi thế chấp tại ngân hàng này.
Ngân hàng MB Đà Nẵng đã gửi đi Công văn ác nhận Công ty Đức Mạnh từng lấy 2 lô chung cư C1, C2 đem đi thế chấp tại ngân hàng này.

Tại bản án số 14/2017/KDTM-ST, TAND Q.2 nhận định: “... Đức Mạnh dù đã cam kết không thế chấp quyền phát sinh từ dự án với Tân Việt An nhưng thực tế đã sử dụng quyền đối với hai lô C1 và C2 thế chấp bảo đảm khoản vay tại MB Đà Nẵng. Dù khoản vay đã được MB Đã Nẵng xác nhận đã giải chấp quyền sử dụng hai lô C1 và C2 bằng một tài sản khác nhưng điều này cũng thể hiện Đức Mạnh không trung thực trong giao dịch với Tân Việt An”. Tuy nhiên, tại phần quyết định HĐXX lại tuyên Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Đức Mạnh, buộc Công ty Tân Việt An phải thanh toán tiền gốc 115 tỷ đồng và bồi thường lãi suất 9%/năm, tổng cộng hơn 177 tỷ đồng cho Công ty Đức Mạnh.

Ngày 11/10 Viện KSND TP.HCM có Quyết định số 916/QĐKNPT-VKS-KDTM kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại số 14/2017/KDTM-ST ngày 18/9/2017 của TAND Q.2. Viện KSND TP.HCM nhận định, bản án TAND Q.2 chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Đức Mạnh mà không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty Tân Việt An là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Dự kiến ngày 3/1, TAND TP.HCM sẽ mở phiên toàn xét xử phúc thẩm vụ án này.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm