Hà Nội:
Vụ hàng trăm hộ dân kêu cứu vì dự án bất khả thi: “Cần cấp sổ đỏ cho dân và điều chỉnh quy hoạch”
(Dân trí) - “Căn cứ vào nguồn gốc và lịch sử sử dụng đất của khoảng 200 hộ dân sinh sống ổn định trên dưới 30 năm tại thôn Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (nay là tổ dân phố số 1, phường Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm. TP Hà Nội), tôi cho rằng chiếu theo quy định hiện hành, người dân đủ điều kiện được cấp sổ đỏ và chính quyền cần xem xét điều chỉnh lại quy hoạch dự án bất khả thi này”, luật sư Vi Văn Diện nhận định.
Như Báo Dân trí đã thông tin, Đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân tại thôn Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (TP Hà Nội), nay thuộc tổ dân phố số 1, phường Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết: “Hiện có khoảng 200 hộ gia đình chúng tôi sinh sống ổn định từ những năm 1980 đến nay. Trong đó, đa số là đất do nhà nước giao, đất ông cha để lại cho con cháu, số còn lại do nhận chuyển nhượng của người trong thôn.
Về hiện trạng sử dụng đất hiện nay, đại đa số các hộ dân sinh sống ổn định hàng chục năm và không còn chỗ ở nào khác. Trên đất đã xây dựng nhà 3,4 tầng và nhà cấp 4, tất cả đều đã kê khai và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đất ở với Nhà nước”
Các hộ dân kêu cứu vì cho rằng bị “giam lỏng” trong dự án quy hoạch bất khả thi.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Căn cứ vào nguồn gốc và lịch sử sử dụng đất của khoảng 200 hộ dân đã được chính quyền địa phương xác định, người dân sinh sống hàng chục năm, kê khai hoàn thành đầy đủ nghĩ vụ thuế với Nhà nước. Chiếu theo quy định hiện hành tại Luật đất đai năm 2013; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Công nhận tài sản khác gắn liền với đất; Đăng ký biến động về sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng động dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài; Chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở trên địa bàn thành phố và Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội thì các hộ dân này đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) cùng giấy xác nhận đăng ký đất đai”.
Cùng đó, luật sư Diện cũng cho rằng: Việc lập quy hoạch không lấy ý kiến người dân là sai quy định. Điều này dẫn tới quy hoạch không sát thực tế, không khả thi. Việc UBND quận Nam Từ Liêm xin TP Hà Nội thu hồi đất của dân với quy mô lớn, đã sinh sống ổn định hàng chục năm để giao cho doanh nghiệp là không nhân văn, bất hợp lý. Sau đó lại đề xuất thu hồi làm thiết chế văn hoá, công cộng cũng là bất hợp lý. Bởi muốn vậy phải giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ và tái định cư rất lớn và tốn kém!
“Căn cứ thực tế và các quy định của pháp luật, tôi cho rằng người dân và chính quyền địa phương cần kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo các Sở nghành chuyên môn điều chỉnh lại quy hoạch cho hợp lý và sát với thực tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân cũng như đảm bảo việc an sinh xã hội trên địa bàn thành phố”, luật sư Diện nói.
Phường đề nghị cấp sổ đỏ và giấy xác nhận đăng ký đất đai cho các hộ dân.
Liên quan đến sự việc, UBND phường Mễ Trì đã đề nghị cấp sổ đỏ và giấy xác nhận đăng ký đất đai cho các hộ dân.
Theo đó, UBND phường Mễ Trì đã có Báo cáo số 2260/BC-UBND gửi các sở ngành TP Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm.
Nguồn gốc, quá trình và hiện trạng sử dụng đất tại khu đất nằm trên đường Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì được Phường Mễ Trì xác định:
Khu vực giáp đường Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì có nguồn gốc là đất dịch vụ do UBND xã Mễ Trì giao trái thẩm quyền cho 22 hộ từ khoảng năm 1987 đến trước năm 1994 làm đất dịch vụ (giao đất có thu tiền sử dụng đất) trong đó có 01 trường hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hồng đã tự sử dụng làm nhà ở từ năm 1982; theo bản đồ đo đạc năm 1994 xã Mễ Trì và Sổ mục kê ruộng đất 1994, vị trí khu đất trên nằm trên tờ bản đồ số 42, tỷ lệ 1/500 đo đạc năm 1994 xã Mễ Trì, sổ mục kê ghi loại đất thổ cư. Ngay sau khi được giao đất năm 1987 các hộ làm nhà ở ổn định cho đến nay.
Theo nôi dung đơn kiến nghị của các hộ kèm theo Giấy mời của Sở tài nguyên và môi trường, vị trí khu đất còn lại các hộ đang sử dụng làm nhà ở có nguồn gốc là đất nông nghiệp giao theo NĐ 64/CP cho các hộ xã viên của HTX 1.5 Mễ Trì Thượng đã được UBND huyện Từ Liêm cấp GCNQSD đất nông nghiệp thuộc tờ bản đồ số 33. Tỷ lệ 1/1000 đo đạc năm 1994 xã Mễ Trì.
Khoảng 200 hộ dân cho biết đã sinh sống ổn định hàng chục năm.
Quá trình, hiện trạng sử dụng đất khu vực giáp đường Lương Thế Vinh: Từ thời điểm được giao đất các hộ đã làm nhà cấp 4 sau đó có mua bán, chuyển nhượng nhưng không thông qua chính quyền địa phương, đến nay có khoảng 30 hộ đang sinh sống, hiện trạng có 23 nhà kiên cố từ 02 – 04 tầng và 07 nhà cấp 4, hàng năm các trường hợp này vẫn thực hiện việc nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Khu vực đất nông nghiệp: Từ năm 2001, 2002 các hộ đã tự mua bán chuyển nhượng sau đó đã xây dựng nhà cấp 4 trái phép để ở đến nay, tổng diện tích khu vực trên khoảng 1.5 ha hiện có khoảng 131 hộ đang sử dụng, năm 2012 Tổ công tác quản lý đất đai trật tự xây dựng UBND xã Mễ Trì đã lập Biên bản và ban hành Quyết định xử lý cưỡng chế khắc phục hậu quả nhưng chưa thực hiện do các hộ dân có đơn khiếu nại.
Từ việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công tác quản lý của UBND phường Mễ Trì cũng như quá trình giải quyết, UBND phường Mễ Trì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 hộ đang sử dụng đất giáp đường Lương Thế Vinh và cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai cho 131 hộ đang sử dụng đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/Cp đã chuyển sang làm nhà ở.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế