Vụ du khách nước ngoài ngồi lên tấm bia khắc hình Quốc huy: Khó xử phạt?

Khả Vân

(Dân trí) - Theo luật sư, pháp luật Việt Nam không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính vì xúc phạm quốc huy, nên nếu khách du lịch nước ngoài không để ý và không có mục đích cố ý thì sẽ không thể xử lý được.

Hiệp hội du lịch tỉnh Hà Giang vừa có công văn đề nghị, các cơ quan chức năng xác minh hình ảnh vị khách nước ngoài ngồi trên tấm bia khắc hình Quốc huy, tại điểm cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cũng như đơn vị tổ chức và người dẫn đoàn để có biện pháp xử lý nghiêm.

Bình luận về sự việc, độc giả Dân trí bày tỏ sự bức xúc trước hành động thiếu văn hóa này. Độc giả Vũ Trọng Nam cho rằng đây là lỗi lớn của hướng dẫn viên (HDV) du lịch, bởi ngoài việc am tường về địa lý, lịch sử, văn học, tập tục.... HDV còn phải đề cao lòng tự tôn dân tộc. Bởi lẽ, du khách là người nước ngoài, không thể nắm rõ được nội quy tại khu du lịch cũng như văn hóa Việt Nam, đơn vị tổ chức du lịch và HDV du lịch ngoài việc giới thiệu hoạt động du lịch cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định mà khách du lịch cần tuân thủ. 

Nhiều ý kiến cùng cho rằng, "khách du lịch nước ngoài có thể đã về nước, nhưng công ty lữ hành và người HDV thì vẫn còn đó! Đề nghị phạt nặng với công ty này vì không giáo dục được nhân viên và tước thẻ HDV đối với cậu HDV này".

Vụ du khách nước ngoài ngồi lên tấm bia khắc hình Quốc huy: Khó xử phạt? - 1

Du khách người nước ngoài ngồi trên tấm bia có khắc hình Quốc huy và thông tin điểm cột cờ Lũng Cú (Ảnh: Hiệp hội du lịch Hà Giang).

Ở một góc nhìn khác, theo độc giả Nguyễn Quốc Tuân, một phần lỗi là do cơ quan quản lý. "Chỉ cần làm và ghi một cái bảng nhỏ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài dán vào đó với nội dung như: "Không được ngồi", người ta sẽ hiểu. Người nước ngoài họ đâu có thiếu ý thức vậy, nên đừng đổ lỗi cho họ, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân"".

Vậy trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan đến đâu, là băn khoăn của nhiều độc giả?

Chưa có chế tài xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm Quốc huy!

Trao đổi với phóng viên Dân trí về sự việc trên, luật sư Trần Thị Hiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa, là biểu tượng thiêng liêng, tự hào của dân tộc. Do đó, mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tôn trọng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam. 

Trong trường hợp bất kỳ cá nhân nào có hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 351 Bộ luật hình sự hiện hành, người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Luật sư Hiền phân tích, hành vi khách quan của tội này được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: Hành vi đốt, xé, bôi bẩn, vẽ bậy lên Quốc kỳ, Quốc huy, đập phá quốc huy, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy để làm những việc mang tính xúc phạm biểu tượng thiêng liêng của quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, người có hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy đến mức phải xử lý hình sự là người thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Điều này có nghĩa là chủ thể phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm và mong muốn hậu quả xảy ra.

Nếu được thực hiện với lỗi vô ý, do sơ suất cẩu thả mà có hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy thì không phạm tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy theo Bộ Luật Hình sự hiện hành.

"Riêng đối với tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, phải có mục đích cố ý mới có thể xử lý và hiện nay cũng chỉ có chế tài hình sự, không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Vụ việc này nếu khách du lịch nước ngoài không để ý và cũng không có mục đích cố ý xúc phạm Quốc huy Việt Nam thì sẽ không thể xử lý được", Luật sư Trần Thị Hiền, Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết.

Đối chiếu với thông tin trong vụ việc trên, luật sư Hiền cho rằng hành vi ngồi trên tấm bia của du khách là tại thời điểm cả đoàn du lịch chụp ảnh kỷ niệm khi đặt chân đến cột cờ Lũng Cú, do sơ suất hoặc không để ý đến biểu tượng trên tấm bia, cũng như do khác biệt về nền văn hóa nên du khách mới có hành vi này. Vì thế nếu chỉ có hành vi như trên thì chưa đủ căn cứ để xử lý hay xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với du khách.

Về biện pháp xử lý đối với đơn vị tổ chức và người dẫn đoàn - là những người chịu trách nhiệm chính trong việc này, theo luật sư Hiền, chỉ có thể áp dụng hình thức khiển trách, nhắc nhở vì mức độ, tính chất và hậu quả gây ra là không lớn.

Luật sư Trần Thị Hiền cho biết thêm, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang ưu tiên phát triển du lịch, chào đón nhiều du khách quốc tế thì việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền và nền văn hóa của đất nước càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Mọi cá nhân, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, dân tộc, nếu có hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ nước CHXHCNVN đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên hiện nay, do mới chỉ có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nên hầu hết các vụ việc vi phạm (đặc biệt là đối với người nước ngoài) đều không có căn cứ xem xét để xử lý, do mức độ vi phạm không nghiêm trọng.

Do đó, luật sư kiến nghị, các nhà làm luật cũng cần xem xét, cân nhắc bổ sung thêm hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy khi chưa có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điều này không chỉ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng tiến hành xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân và các du khách nước ngoài có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng nét văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.